Niềm an ủi lúc tuổi già
Đến với ngôi nhà chung là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, già yếu, bệnh tật. Trong gian nhà nhỏ, các cụ già cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong năm tháng “xế chiều”. Người khỏe mạnh cùng nhau nấu ăn, tập thể dục, nói chuyện vui vẻ. Người bệnh nghỉ ngơi, an dưỡng. Những người từ xa lạ, dần dần đã trở thành anh, chị, em chung một mái nhà.
Bà Trần Thị Gọn (quê ở tỉnh Hậu Giang) là một trong những người đầu tiên được đón về mái ấm. Sau những tháng ngày vất vả phải sống một mình, từ ngày về đây, bà đã có thêm nhiều chị em cùng động viên để sống vui, sống khỏe. Bà Trần Thị Gọn tâm sự: “Cuộc sống lúc trước khó khăn lắm, tôi ở một mình, sống lay lắt qua ngày. Tháng nào, chú Hùng cũng đến thăm, tặng quà. Thấy tôi một mình, bệnh tật không tiền chữa trị, chú ngỏ ý rước về nuôi. Ở đây mấy năm nay, chị em từ lạ trở thành quen, coi nhau như người trong gia đình. Mỗi người một hoàn cảnh khó khăn. Người khỏe mạnh giúp đỡ người ốm yếu, chia sẻ với nhau để bớt buồn tủi”.
Cùng chung cảnh cô đơn, sống nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, giờ đây, bà Phạm Thị Lan (quê ở Sóc Trăng) cảm thấy ấm áp và may mắn hơn khi được đón về mái nhà chung này. Về đây, bà được chăm lo đầy đủ từng bữa cơm, giấc ngủ, mỗi khi bệnh tật đều được chăm sóc tận tình. Do lớn tuổi, đôi mắt không nhìn thấy, mọi sinh hoạt của bà đều phải có người giúp đỡ. Bà Lan xúc động chia sẻ: “Được ở mái ấm này, tôi mừng lắm. Tôi không có nhà cửa, con cái mà giờ được đón về đây, còn gì hơn. Nhờ có mấy cô, mấy chú lo cơm nước, thuốc men, đi bệnh viện, tôi mới khỏe được như bây giờ”.
Không chỉ xây nhà cho các cụ già ở miễn phí, những người làm nên mái ấm còn chăm sóc tận tình và thường xuyên động viên, an ủi họ. Những bữa cơm được chăm chút hàng ngày để các cụ có sức đề kháng với bệnh tật. Những cụ sức khỏe yếu đều được quan tâm, chăm sóc và đưa đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời. Nghĩa cử cao đẹp của những người lập nên mái ấm cùng tình yêu thương giữa những người đồng cảnh ngộ đã mang họ đến gần nhau hơn, cùng động viên nhau vượt qua những khó khăn của tuổi tác và bệnh tật.
Dành trọn tấm lòng cho người già neo đơn
Mái ấm Phường Đông Thuận được ông Bùi Văn Hùng cùng gia đình và bạn bè thành lập từ năm 2017. Nơi đây đang chăm sóc, phụng dưỡng gần 20 cụ già neo đơn. Chia sẻ về lý do xây dựng mái nhà chung này, ông Hùng cho biết, từ năm 2012, ông cùng bạn bè nhận hỗ trợ hàng tháng ngoài cộng đồng cho trên 50 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng… Ông đã tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh nên rất xót xa. Sự đồng cảm với những người khó khăn trong cuộc sống đã thôi thúc ông xây dựng nên căn nhà chung, đón những người già neo đơn về sống và phụng dưỡng như người thân trong gia đình.
Ông Bùi Văn Hùng tâm sự: “Thấy các cụ lớn tuổi, một mình chống chọi với bệnh tật, khó khăn của đời sống tôi rất xót xa. Đón được các cụ về đây, tôi thấy nhẹ lòng vì có thể chăm lo phần nào, giúp các cụ có cuộc sống tốt hơn khi tuổi già sức yếu. Trong quá trình chăm sóc, chúng tôi luôn động viên các cụ quan tâm và yêu thương nhau để tuổi xế chiều được vui vẻ. Nhìn mỗi cụ khỏe hơn, vui hơn là chúng tôi có thêm niềm động viên để tiếp tục hành trình này”.
Việc làm và tấm lòng của ông Hùng đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều thành viên khác cùng tham gia. Là một người bạn đồng hành trong hoạt động của mái ấm, bà Nguyễn Thị Dúng (ngụ thành phố Cần Thơ) chia sẻ, bà luôn tâm niệm xem các cụ già ở mái ấm như người thân ruột thịt trong gia đình. Với ý nghĩ đó, mà dù có khó khăn, vất vả, bà vẫn luôn sẵn lòng. Hàng ngày, bà từ thành phố Cần Thơ đến mái ấm để cùng hỗ trợ nấu những bữa ăn ngon, dọn dẹp vệ sinh, tắm, chăm sóc cho các cụ. Khi rảnh, bà cùng nói chuyện và chia sẻ những câu chuyện vui giúp các các cụ vơi đi nỗi cô đơn.
Hiện nay, cùng với việc phụng dưỡng cho trên 20 cụ tại chỗ, những thành viên mái ấm phường Đông Thuận còn thường xuyên hỗ trợ, chăm sóc cho khoảng 200 cụ hoàn cảnh khó khăn khác đang sống ở các tỉnh lân cận. Hàng tháng, ông Bùi Văn Hùng cùng các thành viên đến tận nơi thăm hỏi, tiếp thêm nguồn động viên. Cụ nào quá khó khăn và đồng ý đều được ông Hùng đón về mái ấm.
Phó Chủ Ủy ban nhân dân phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh Ngô Minh Phúc cho biết, những việc làm nhân văn của ông Bùi Văn Hùng và các thành viên mái ấm đã lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân địa phương. Mái ấm đã góp phần giúp địa phương chăm lo tốt hơn cho những hoàn cảnh neo đơn, khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các hoạt động khác nhằm hỗ trợ người nghèo, người khó khăn của ông Hùng cũng giúp thực hiện tốt công tác an sinh, xã hội. Địa phương luôn quan tâm, đồng hành và xem đây là mô hình điểm để lan tỏa ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng. Từ đó, sẽ có thêm những tấm lòng nhân ái cùng góp công sức chăm lo cho những người già neo đơn, yếu thế.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thụy Yến Phương đánh giá, mái ấm phường Đông thuận, thị xã Bình Minh là một trong những mô hình điểm thể hiện tính nhân văn. Với hiệu quả của mô hình, Hội sẽ tiếp tục đồng hành kêu gọi thêm nguồn lực để có thể chăm lo được nhiều hơn cho các đối tượng có hoàn cảnh neo đơn.