Những người tâm huyết với công tác hiến máu tình nguyện

Nguyễn Diệp Linh
Hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, trái lại, hiến máu mang đến niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cộng đồng. Hiến máu là một hành trình yêu thương, nhân lên sự sống, lan tỏa yêu thương, tinh thần đoàn kết cộng đồng. Đó là quan điểm của những người luôn “nặng lòng” với công tác hiến máu tình nguyện (HMTN). Họ không chỉ hăng hái, tích cực hiến máu, mà còn luôn trăn trở tìm cách để kết nối, vận động nhiều người tham gia HMTN; đưa HMTN trở thành một việc làm thường xuyên, trách nhiệm, tự hào của mỗi cá nhân.

177d2100157t36095l0-1688521710.jpg

Anh Trần Văn Sơn (đầu tiên bên trái) tham gia tuyên truyền, vận động hiến máu trong sự kiện Hành trình Đỏ - kết nối dòng máu Việt.

 

Với tâm nguyện “không để người bệnh nào phải chờ máu”, chàng trai trẻ Trần Văn Sơn, sinh năm 1993, quê Thọ Xuân luôn sẵn sàng hiến máu khi có người cần. Hành động ấy của Sơn đã góp phần mang lại sự sống cho không ít người bệnh và niềm vui cho nhiều gia đình.

Trong cái nắng hè oi ả, chúng tôi đã gặp Sơn tại một hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu ngoài trời. Hình ảnh chàng trai trẻ với gương mặt hiền lành, dáng vẻ nhanh nhẹn, khỏe khoắn, mồ hôi nhễ nhại, chạy khắp nơi để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia HMTN. Sơn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong chúng tôi bởi lòng nhiệt huyết với công tác HMTN và vận động người dân tham gia HMTN.

Anh Trần Văn Sơn chia sẻ: “Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của hiến máu nên tôi đã tích cực tham gia. Chứng kiến cảnh người bệnh chờ máu, người nhà bệnh nhân hớt hải tìm máu khắp nơi, tôi tự thấy, mình phải có trách nhiệm chia sẻ bớt khó khăn với người bệnh. Tôi đã tự xây dựng cho mình thói quen, tinh thần sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào nhận được thông tin của người bệnh cần máu”.

Lần đầu tiên Sơn tham gia HMTN khi đang là sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Sau lần đầu tiên hiến máu, Sơn bắt đầu tìm hiểu về hoạt động này và xem hiến máu như trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Dù nửa đêm hay mưa gió, có người bệnh cần máu là Sơn đến ngay. Sau nhiều năm hết mình với công tác HMTN, Sơn đã tham gia hiến máu trên 50 lần, trong đó, có 37 lần hiến máu tiểu cầu.

Không chỉ vậy, Sơn còn tích cực vận động người nhà, bạn bè và cộng đồng tham gia HMTN; kết nối những người cần máu và người có nhu cầu HMTN với nhau, tăng thêm sự sống và niềm vui cho nhiều người. Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuyên truyền, vận động HMTN tỉnh Thanh Hóa, Sơn đã tích cực phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình HMTN như: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ - Kết nối dòng máu Việt, truyền thông hiến máu... góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động HMTN trên địa bàn tỉnh. Với cống hiến không ngừng, năm 2023, Sơn là một trong những cá nhân được Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh Thanh Hóa đề xuất UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác HMTN.

Nếu số lần HMTN và những đóng góp của chàng trai trẻ Trần Văn Sơn khiến mọi người bất ngờ và khâm phục, thì câu chuyện về chị Đặng Thị Hạnh, giáo viên Trường THCS Đông Thọ lại thôi thúc mọi người hãy tham gia HMTN ngay bây giờ, bởi HMTN không phân biệt tuổi tác.

Chị Đặng Thị Hạnh bắt đầu HMTN từ năm 33 tuổi. Đến năm 37 tuổi thì chị bắt đầu tham gia vào các hoạt động hiến máu và vận động mọi người HMTN nhiều hơn. Chia sẻ về việc tham gia HMTN, chị Hạnh tâm sự: “Có nhiều người sẽ nghĩ, độ tuổi ấy không còn trẻ để tham gia HMTN. Nhưng với tôi, hiến máu không phân biệt tuổi tác, còn sức khỏe, còn đam mê, còn nhiệt huyết và đủ điều kiện hiến máu thì tôi sẽ tham gia HMTN".

Từ bé, chị Hạnh có mơ ước được làm bác sĩ giống bố để cứu người. Khi lớn lên, không thực hiện được ước mơ làm bác sĩ nhưng với tâm nguyện giúp người, chị đã tìm đến công tác HMTN. Bởi, chị hiểu rằng, dù khoa học - kỹ thuật đã có bước phát triển vượt bậc nhưng máu vẫn là một chế phẩm chưa có một ai nghiên cứu ra sản phẩm thay thế hay sản xuất ra được. Mỗi ngày, ngành y tế luôn cần hàng chục đến hàng trăm đơn vị máu để cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Để cứu sống người bệnh, ngành y tế chỉ trông chờ duy nhất vào nguồn máu hiến tặng của người tình nguyện. Tuy nhiên, ngày còn thanh niên, do cân cặng và sức khỏe không đủ tiêu chuẩn hiến máu nên chị Hạnh không thể thực hiện mong muốn cống hiến của mình. Vì thế, ngay sau khi hoàn thành thiên chức làm mẹ, chị đã dành nhiều thời gian cho các hoạt động HMTN do ngành giáo dục hay địa phương phát động.

Thời gian đầu, mới tham gia hiến máu, chị còn để ý xem sức khỏe của mình thế nào, nhưng qua 11 lần hiến máu, chị thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Vì vậy, cứ khi nào có người cần máu là chị Hạnh luôn sẵn sàng hiến máu để cứu sống người bệnh trong lúc nguy kịch. Những năm gần đây, ở Thanh Hóa có nhiều câu lạc bộ HMTN được thành lập và hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Với mong muốn được tham gia một cách bài bản vào các hoạt động HMTN, chị Hạnh đã tình nguyện xin tham gia vào Câu lạc bộ Giọt hồng Xứ Thanh. Chị đã tích cực tham gia các hoạt động từ hiến máu đến kêu gọi, vận động người HMTN hay kết nối người cần máu với người hiến máu. Chị đã trực tiếp kết nối với các bệnh nhân nhi để hỗ trợ ngay khi họ cần. Đồng thời, chị còn tích cực vận động người dân, anh chị em trong gia đình, bạn bè cùng tham gia HMTN mỗi khi Hội Chữ thập đỏ thành phố hay ngành phát động và tổ chức HMTN.

HMTN với chị Hạnh hay anh Sơn là những hành động nhỏ, nhưng với người bệnh, với cộng đồng đó là một việc làm ý nghĩa sâu sắc. Những giọt máu cho đi càng trở nên ý nghĩa hơn khi tiếp tục được chảy trong sự sống của nhiều người khác và lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp trong cộng đồng.

Thùy Linh