Mặc dù “ăn cắp” trắng trợn thương hiệu, thế nhưng khi bị khiếu nại, tố cáo thì TIE miền Bắc lại có màn phản pháo rất ngược đời. Đó là việc công ty này đưa thông tin lên một chuyên trang điện tử, cho rằng ông Lâm An Dậu đơn phương chấm dứt hợp đồng là không đúng luật. Mạnh miệng hơn, trang điện tử này còn dẫn lời TIE miền Bắc với giọng điệu khiêu khích khi cho rằng “ông chủ Vĩnh Tiến tự tay tát mặt mình”…
Đâu là sự thật?
Nói với chúng tôi, ông Lâm An Dậu cho rằng, mình rất bức xúc khi trước đó vào ngày 26/10/2016, ông đọc được một bài viết có tựa đề “Vụ tố TIE miền Bắc “ăn cắp” thương hiệu Vĩnh Tiến: Ông chủ Vĩnh Tiến tự tay “tát” mặt mình!”.
Ông Dậu cũng cho rằng, thông tin đưa ra trong bài viết nói trên là hoàn toàn sai sự thật, bởi giữa Vĩnh Tiến và TIE miền Bắc không ký kết bất kỳ hợp đồng kinh tế nào và không phát sinh công nợ với nhau. Công nợ ở đây phát sinh giữa Công ty Cổ phần (Cty CP) Vĩnh Tiến và TIE miền Bắc. Cty CP Vĩnh Tiến và Vĩnh Tiến là hai pháp nhân hoàn toàn độc lập. Bên cạnh đó, ông Dậu còn cho biết việc ông ký hợp đồng cầm cố của mình với TIE miền Bắc là cầm cố cổ phiếu tại Cty CP Vĩnh Tiến, chứ không phải cầm cố cổ phiếu tại Vĩnh Tiến như bài viết đã thông tin.
Thêm nữa, ông Dậu nhấn mạnh giữa Vĩnh Tiến và TIE miền Bắc chỉ có mối quan hệ duy nhất là hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí) ký vào tháng 9/2014. Tuy nhiên, TIE miền Bắc đã vi phạm các điều khoản cơ bản của hợp đồng, như: TIE miền Bắc sản xuất ồ ạt sản phẩm mà không có bất kỳ thông báo hay thỏa thuận nào với Vĩnh Tiến. Ngay sau khi sản xuất hàng loạt sản phẩm giấy, tập, TIE miền Bắc đã đưa vào thị trường miền Nam bán, thậm chí mở luôn nhà máy sản xuất tại TP.HCM là vi phạm về mặt lãnh thổ sử dụng nhãn hiệu.
Cũng theo ông Dậu, từ ngày ký hợp đồng đến nay, TIE miền Bắc chưa thanh toán bất kỳ khoản tiền phí sử dụng nào. Đối với việc sử dụng logo có in hình con nai, ông Dậu cũng cho rằng TIE miền Bắc đã hoàn toàn sai, bởi trong hợp đồng không thỏa thuận sử dụng nhãn hiệu hình con nai.
Ông Dậu bức xúc: “Hành vi của TIE miền Bắc là copy hình con nai và gắn thêm chữ T tạo thành logo của mình khác với logo đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) bảo hộ cho Công ty chúng tôi. Đây là hành vi “nhái” nhãn hiệu, không phải là sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại Khoản 2, Khoản 5, Điều 124, Luật SHTT. Do đó, ngày 8/6/2015, công ty chúng tôi đã thông báo chấm dứt hợp đồng với TIE miền Bắc. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông báo của chúng tôi, TIE miền Bắc vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu và lấy căn cứ tại Khoản 4, Điều 9 của hợp đồng về sử dụng thương hiệu và cho rằng không vi phạm, không bị nhắc nhở liên tục 3 lần nên vẫn được sử dụng nhãn hiệu để sản xuất kinh doanh”.
Luật sư của ông Lâm An Dậu cho rằng: “Căn cứ vào Khoản 2, Điều 9 của Hợp đồng, cụ thể là quy định: Hợp đồng có thể được chấm dứt và thanh lý theo các trường hợp: Một trong hai bên vi phạm các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng này. Từ đó, phía Vĩnh Tiến đã có thông báo chấm dứt hợp đồng với TIE miền Bắc”.
Thiệt hại, ai chịu trách nhiệm?
Cũng theo vị luật sư này, sau khi thông báo chấm dứt hợp đồng sử dụng thương hiệu, Vĩnh Tiến đã chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu cho cá nhân ông Dậu kể từ ngày 4/8/2016. Như vậy, về mặt thẩm quyền, việc tranh chấp nhãn hiệu là giữa ông Dậu và TIE miền Bắc, còn Vĩnh Tiến nếu có chỉ là tranh chấp về hợp đồng sử dụng thương hiệu.
Trở lại vấn đề, trước đó, một bài báo cho rằng Vĩnh Tiến và TIE miền Bắc có ký các hợp đồng kinh tế và hiện Vĩnh Tiến còn nợ TIE miền Bắc. Do đó, TIE miền Bắc không thanh toán tiền phí sử dụng thương hiệu cho Vĩnh Tiến. Đồng thời, ông Lâm An Dậu có ký hợp đồng cầm cố cổ phiếu tại Vĩnh Tiến cho Cty CP TIE với giá trị 10 tỷ đồng.
Về thông tin này, ông Dậu khẳng định: “Không có việc cầm cố cổ phiếu của Vĩnh Tiến. Việc cầm cố này không có nghĩa tôi có nợ Cty CP TIE. Thêm nữa, trong hợp đồng này hoàn toàn không có điều khoản nào liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của tôi”.
“Riêng logo “chữ T và hình con nai” được gắn trên các sản phẩm của TIE miền Bắc, chưa từng có một văn bản nào cho phép TIE miền Bắc sử dụng và đăng ký. Thời điểm mà TIE miền Bắc gửi đơn để xin đăng ký ngày 5/12/2014, tôi chưa có quyền sở hữu đối với nhãn hiệu này. Mà trước đó, nhãn hiệu này đã thuộc quyền sử hữu của Vĩnh Tiến. Vì vậy, mà TIE miền Bắc đã bị Cục SHTT từ chối cấp quyền SHTT. Thế nhưng, TIE miền Bắc nhiều lần vin vào hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí) để nói rằng TIE miền Bắc đang sử dụng hợp pháp nhãn hiệu của tôi là không đúng. Cuối cùng, căn cứ Khoản 2, Khoản 5, Điều 124, Luật SHTT quy định, thì việc sử dụng nhãn hiệu là việc “gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa,…”. Để từ đó có thể khẳng định rằng hành vi của TIE miền Bắc là copy hình con nai và gắn thêm chữ T tạo thành logo của mình khác với logo đã được Cục SHTT bảo hộ cho tôi. Đây là hành vi “nhái” nhãn hiệu”, ông Dậu khẳng định.
Đại diện Cty CP TIE, thông qua một bài báo, đã thừa nhận không sử dụng logo theo HĐ sử dụng thương hiệu mà nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu đối với “chữ T và hình con nai nhí” và được Cục SHTT ra quyết định về việc chấp nhận đơn hợp lệ cho TIE miền Bắc. Tuy nhiên, người viết bài này không làm rõ việc TIE miền Bắc sau khi nộp đơn đã được cơ quan có thẩm quyền trả lời đơn hay chưa? Tình trạng của hồ sơ thế nào? Có được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu đã đăng ký hay không? Chưa kể đến việc Viện Khoa học SHTT có Kết luận Giám định số NH381-16YC/KLGĐ ngày 28/9/2016 đã kết luận: Dấu hiệu “chữ T và hình con nai” xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “VINH TIEN và hình” đã được bảo hộ cho ông Lâm An Dậu.
Từ những thông tin đã nêu ở trên, ông Lâm An Dậu một lần nữa khẳng định: “Theo quy định tại Khoản 2, Điều 148, Luật SHTT, Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ có giá trị với bên thứ 3 khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp (Cục SHTT). Như vậy, giả sử TIE miền Bắc không vi phạm HĐ thì Hợp đồng giữa Vĩnh Tiến và TIE miền Bắc cũng không có giá trị pháp lý với bên thứ 3 là tôi – chủ sở hữu nhãn hiệu. Lý do mà tôi đưa ra ở đây là do TIE miền Bắc chưa được đăng ký tại Cục SHTT. Còn nếu TIE miền Bắc tranh chấp hợp đồng này, thì đây sẽ là một vụ án về tranh chấp hợp đồng sử dụng nhãn hiệu mà 2 bên tranh chấp sẽ là TIE miền Bắc và Vĩnh Tiến về việc giải quyết các hệ quả của việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (phạt vi phạm, bồi thường,… - PV)”.
“Vì vậy, việc đưa các thông tin về công nợ giữa Vĩnh Tiến và Cty CP TIE không liên quan đến việc tôi tố cáo TIE miền Bắc xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của tôi. Những thông tin phản tố ngược đời đó trên web www.tieudung24h.vn đã không làm rõ được vấn đề và gây mù mờ cho khách hàng và bạn đọc nhầm tưởng rằng TIE miền Bắc được quyền sử dụng nhãn hiệu mà cơ quan có thẩm quyền đã bảo hộ độc quyền cho tôi. Việc xâm phạm nhãn hiệu suốt thời gian dài như vậy đã gây thiệt hại vô cùng to lớn cho cá nhân tôi cũng như công ty của tôi. Vậy xin hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với vấn đề này?”, ông Dậu bức xúc đặt câu hỏi.
Ông Lâm An Dậu cho biết, ông đã gửi đơn đến cơ quan chủ quản cũng như người quản lý trang điện tử trên để yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai. Đồng thời gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vấn đề, xử lý theo quy định của pháp luật.