Ở chùa Mã Tộc (dân gian gọi là chùa Dơi) thuộc khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, không chỉ nổi tiếng vì kiến trúc rất đẹp, có rất nhiều dơi ngựa về đây trú ngụ, mà còn được nhiều người nhắc đến vì phía sau chùa có hàng chục ngôi mộ bằng bê - tông khang trang nhưng không phải của người, mà là của heo - những chú heo 5 móng.
Chuyện kể rằng: Gần 30 năm trước, một cụ ông tên là Khiêng thường đến chùa làm công quả. Một đêm, ông Khiêng nằm mộng thấy có một phụ nữ đến gõ cửa chùa xin quy y cửa Phật. Sáng tỉnh dậy, cụ Khiêng mở cửa nhìn thấy một con heo cái to nằm chình ình, quay mõm vào trong chùa nằm ngủ ngon lành. Cụ đánh thức, nó không dậy, cụ đuổi xua, nó cũng không bỏ đi. Nhìn kỹ thấy con heo này có 1 cái chân có 5 móng.
Sau đó cụ Khiêng đặt tên cho heo là Năm Hợi và cho ở trong khuôn viên chùa. Heo Năm Hợi rất hiền lành, được các sư thầy chia sẻ thức ăn. Heo Năm Hợi khi chết nặng hơn 400kg. Tháng 7/1996, sau khi heo Năm Hợi chết, một nhà hảo tâm ở TP.Hồ Chí Minh tài trợ tiền xây cho heo Năm Hợi ngôi mộ khá đẹp, mặt trước xây hình con heo năm móng, bên dưới trang trọng ghi dòng chữ: “Năm Hợi, chết ngày 18/7/1996 DL, thọ 7 tuổi”. Từ đó, người dân nhà có heo 5 móng đều mang đến chùa gửi nuôi, đến khi heo 5 móng ở chùa chết, đều được các sư chôn cất phía sau chùa. Lễ mai táng được thực hiện đầy đủ thủ tục, như mai táng người đã khuất. Lâu dần, nơi đây trở thành nghĩa địa có một không hai này.
Nhưng câu chuyện ly kỳ về heo Năm Hợi còn được người dân nơi đây kể theo một cách khác: Sau khi Năm Hợi chết một ngày, có người đàn bà từ TP.Hồ Chí Minh tìm đến chùa, nước mắt sụt sùi bảo với các nhà sư: “Nhiều lần người mẹ quá cố của con báo mộng rằng, mẹ con hóa kiếp thành heo, sống ở chùa Mã Tộc. Con mong các nhà sư cho con được làm lễ cầu hồn để linh hồn mẹ con được siêu thoát”. Nhà chùa đã đồng ý để người phụ nữ này đạt được ước nguyện.
Lễ cầu siêu xong xuôi, người phụ nữ này cho thợ xây ngôi mộ cho heo Năm Hợi, vẽ hình một con heo béo tốt lên bia, ghi tên Năm Hợi, với cả ngày tháng heo Năm Hợi mất. Sau lần đó, các nhà có heo 5 móng, 3 giò (nghĩa là có một chân khác màu với 3 chân còn lại) đem gửi đến chùa cũng học làm theo. Khi nào heo chết, được nhà chùa thông báo, họ đến làm lễ mai táng, rồi xây mồ yên mả đẹp cho heo. Thế là sau ngôi chùa Mã Tộc, xuất hiện một nghĩa địa heo rất kỳ lạ như vậy.
Trên thực tế, theo quan niệm của một số người Khmer, những con heo có bàn chân 5 móng là cốt tinh của con người, có linh hồn, bị đày đọa nên đưa đến để nhà chùa nuôi, giúp “họ” tu hành, để hóa kiếp. Khi heo nhà mà xuất hiện những chú heo 5 móng, người dân không dám nuôi, cũng không dám giết thịt. Ngược lại, họ đối xử với heo 5 móng như với con người và đến khi heo chết, được an táng như người.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người ta tiếc của nên vẫn nuôi heo 5 móng đến lớn, buôn bán đàng hoàng nhưng phải dùng “chiêu”. Khi trong bầy heo con sinh ra, nếu phát hiện có heo 5 móng, người ta liền lấy kềm cắt bỏ một móng. Do heo còn nhỏ lại bú sữa mẹ nên lành vết cắt rất nhanh. Không thể giải thích vì sao những chú heo dị dạng này thường ăn rất khỏe và mau lớn hơn hẳn anh em cùng bầy. Người đi mua heo giống về nuôi bao giờ cũng chọn những chú heo này. Theo anh Nguyễn Văn Gàng, chủ trang trại heo lớn ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đang nuôi gia công cho một công ty thức ăn gia súc, thì tỷ lệ heo 5 móng xuất hiện ở trang trại anh cũng nhiều đáng kể. Tuy nhiên, anh vẫn nuôi bình thường đến khi đạt trọng lượng anh xuất chuồng cho công ty mà không thấy có ý kiến gì, còn trang trại của anh thì ngày một phát triển.
Còn chùa Tòa Sen, thuộc ấp Hóa Thành 1, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long có một câu chuyện về heo 5 móng cũng rất ly kỳ. Số là trong một lần đi thu mua heo của bà con chăn nuôi, ghe của Chệt (lái heo người Hoa) mua nhầm một chú heo 5 móng nặng gần 100kg. Khi đưa heo đã bắt trói xuống ghe, tiền đã trả cho chủ thì người lái heo phát hiện con heo có dấu hiệu của heo 5 móng. Ông Chệt quay lại đòi trả heo lại cho chủ nhưng không thành. Chủ heo cứ khăng khăng bảo: Cái dấu đó là do hồi nhỏ heo con bị heo mẹ đạp trúng bị như vậy chứ 5 móng nỗi gì? Đuối lý nên ghe Chệt đành bỏ đi nhưng trong dạ không dám mang heo về lò giết thịt. Thế là khi đi ngang chùa Tòa Sen, ghe Chệt ghé lại, tháo dây phóng thích con heo vào vườn chùa. Một lúc sau, có mấy người đàn ông đi làm đồng về, thấy có con heo lạ, nghi heo bị lạc nên hùa với nhau bắt về làm thịt. Phải nói là cả xóm hôm đó có một bữa ăn nhậu no nê. Bẵng đi một thời gian, ông Thạch Biu (một trong số những người tham gia bắt heo làm thịt hôm đó) bị tai nạn giao thông gãy chân. Thế là dân làng cho rằng do ông dám đụng đến “trư nhân” nên bị trời hỏi tội.
Còn rất nhiều câu chuyện đầy màu sắc huyền bí, nặng mê tín xung quanh chuyện về những con heo 5 móng. Rồi qua truyền miệng, mỗi người một kiểu, tự do đồn thổi, thêu dệt trở thành chuyện ly kỳ, chứa đựng màu sắc huyễn hoặc. Đã có rất nhiều người đến khu mộ heo 5 móng ở chùa Mã Tộc để cầu xin “thần heo” cho số đánh đề nhưng rồi trúng đâu chưa thấy, chỉ thấy gia đình họ ngày càng khánh kiệt hơn vì máu mê cờ bạc. Hay chuyện ông Biu bị tai nạn gãy chân nào phải do ăn thịt heo 5 móng nên chịu “quả báo”, mà là do hôm đó ông Biu đã uống rượu đến tăng ba, say bí tỉ nên lái xe máy tông vô gốc cây mà thôi. Đem chuyện ông Biu vì đụng đến heo 5 móng nên thành thương tật ra kể, lãnh đạo UBND xã Đông Thành cười ngất rồi bảo đó là sự suy đoán vô căn cứ. Rồi vị này lý giải: Do sau khi công trình cầu Cần Thơ hoàn thành và đưa vào hoạt động thì lưu lượng xe trên quốc lộ 54 tăng đột biến vì các huyện ven sông Hậu của tỉnh Trà Vinh chọn tuyến đường này để kết nối các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, quốc lộ 54 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long chưa được nâng cấp mở rộng. Do đó, có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra làm chết người. Những cái chết này hoàn toàn là do tai nạn chứ nào phải họ ăn thịt heo 5 móng nên bị “trả giá” đâu?
Một năm Hợi nữa lại về, lượm lặt một số câu chuyện thực và hư về heo 5 móng để thấy rằng heo 5 móng chẳng qua là do biến dị di truyền mà có. Còn nó có linh thiêng, thần bí hay không thì mọi người nên suy ngẫm, riêng người viết bài này quả quyết rằng: những gì chưa thấy, chưa biết thì nhất định không tin.
Trần Lũy