Chu Văn An
Thầy giáo Chu Văn An tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần. Ông được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An.
Ông tuổi Nhâm Thìn (1292-1370), quê ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì), nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Chu Văn An là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng và có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam.
Vua Trần Minh Tông từng mời ông ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông. Đến đời Trần Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông được lịch sử tôn xưng là ‘Vạn thế sư biểu’ (người thầy của muôn đời).
Mạc Đĩnh Chi
Mạc Đĩnh Chi tuổi Canh Thìn (1280-1350), là anh sỹ đời Trần Anh Tông, tự Tiết Phu, quê Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Dương.
Ông thông minh hơn người, đỗ trạng nguyên năm 24 tuổi dười thời vua Trần Anh Tông, nhưng do tướng mạo xấu xí không được vua coi trọng. Ông liền làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” để tự ví mình, vua đọc thấy hay rồi cất nhắc lên làm thái học sinh dũng thủ, sung chức nội thư gia.
Về ông có một sự tích, đó là khi đi sứ nhà Nguyên, trong phủ có một bức trướng vẽ chim sẻ đậu trên cành trúc, ông chạy tới xem thì bị mọi bị mọi người cười là quê mùa, ông liền xé rách con chim sẻ, mọi người lấy làm lạ hỏi tại sao thì ông đáp. “Tôi nghe người xưa chỉ vẽ cây mai chim sẻ thôi, vì trúc là quân tử sẻ là tiểu nhân, nay tể tướng lấy trúc với sẻ thêu vào bức trướng thế là lấy tiểu nhân ở trên quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân lớn lên, đạo quân tử mòn đi, nên vì thánh triều từ bỏ” mọi người ai cũng khen là nhanh trí, người Nguyên ngày càng thêm khâm phục. Thời Trần Minh Tông ông càng được tin dùng hậu đãi, ông làm quan rất thanh liêm.
Trương Định
Trương Định tuổi Mậu Thìn (1820-1864), tên thường gọi Trương Công Đinh, là người xã Tư Cung, huyện Bình Sơn, nay thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1854, hưởng ứng chính dsách khẩn hoang của triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương thi hành, ông đem hết tài sản đi chiêu mộ dân nghèo vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi vào khai hoang lập đồn điền ở Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông ngày nay và được bổ chức Phó Quản Cơ của đồn điền. Từ đó, người đương thời gọi ông là Quản Định.
Ông là anh hùng kháng Pháp khi chỉ huy nghĩa binh chống Pháp ở Nam kỳ giai đoạn 1859-1864. Không chấp nhận Hòa ước cho Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, ông được dân tôn là Bình Tây Đại nguyên soái.
Phan Đình Phùng
Phan Đình Phùng tuổi Giáp Thìn (1844-1895), hiệu Châu Phong. Ông là chí sỹ, anh hùng chống Pháp, con cụ Phó bảng Phan Đình Tuyển, quê ở Đông Thái, La Sơn, Hà Tĩnh.
Ông đỗ cử nhân năm 1876. Năm sau, đậu đình nguyên tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Sau đó cụ được đổi về kinh đô Huế, sung chức Ngự sử đô sát viện. Ông nổi tiếng trong triều về đức tính cương trực, thẳng thắn.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập lực lượng chống Pháp. Các anh hùng, hào kiệt khắp bốn tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Quảng Bình tự nguyện liên kết lực lượng dưới quyền chỉ huy của ông. Nghĩa quân đã xây dựng căn cứ tại Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh).
Phan Đình Phùng không chỉ là người lãnh đạo tài năng mà còn là nhà thơ. Ông đã sáng tác một số câu đối (Điếu Lê Ninh, Khốc Cao Thắng), thơ (Đáp hữu nhận ký thi, Thắng trận hậu cảm tác, Kiến ngụy binh thi cảm tác, Phúc đáp Hoàng Cao Khải). Tác phẩm của ông cho ta thấy ông là nhà nho trung nghĩa với dân với nước.
Trần Phú
Trần Phú tuổi Giáp Thìn (1904–1931) là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng khi mới 26 tuổi. Ông sinh ra tại quê quán thôn Tùng Ảnh, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông đỗ đầu trường Cao đẳng tiểu học (1922), rồi về dạy trường tiểu học Cao Xuân Dục. Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của ông là được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và trở thành người học trò của Người.
Tháng 4/1930 ông về nước hoạt động, sau một thời gian ngắn được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được giao trọng trách dự thảo Luận cương chính trị và đã được Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 thông qua.
Cũng trong hội nghị này ông được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị là Tổng Bí thư, ông đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Tên tuổi của ông gắn liền với Luận cuơng chính trị tháng 10/1930 của Đảng. Trần Phú một người cộng sản kiên trung, là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, bất khuất trước kẻ thù, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ý chí và phẩm chất cách mạng của ông là tấm gương sáng cho những thế hệ mai sau.
Xuân Diệu
Xuân Diệu tuổi Bính Thìn (1916-1985), tên thật là Ngô Xuân Diệu quê ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Năm 1944, ông tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng phục vụ kháng chiến. Đầu tiên là phong trào Việt Minh, sau đó trở thành Đảng viên Đảng Cộng Sản. Khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Xuân Diệu tiếp tục hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội.
Sau cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu có hướng đi mới trong phong cách viết thơ đó là hướng tới đời sống thực tế, mang đậm tính thời sự. Ông là nhà thơ lãng mạn trữ tình, một nhà phê bình tinh tế, một nhà lý luận văn học độc đáo và là "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới", chất thơ của Xuân Diệu luôn tạo được sự mới mẻ, khác biệt, sử dụng ngôn từ sáng tạo nên hấp dẫn nhiều độc giả.
Ông nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió.” Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận xét “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.”
Cách mạng Tháng Tám đã mở ra bước ngoặt lớn cho đời thơ Xuân Diệu. Một loạt tập thơ chan chứa tình đời, tình người ra đời như: “Trường ca” (1945), “Ngọn quốc kỳ” (1945), “Dưới sao vàng” (1949), “Riêng chung” (1960)... Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.