Tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn (Ninh Bình), bên cạnh sự phát triển về kinh tế, bảo vệ môi trường luôn là tiêu chí được Đảng bộ và nhân dân quan tâm, nhằm xây dựng một địa phương giàu mạnh bền vững.
Năm 2018, tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ của cấp trên và tận dụng nguồn nội lực hiện có, Đảng bộ, chính quyền xã Kim Đông đã mạnh dạn xây dựng một nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn xóm 6 xã Kim Đông với công suất xử lý 20 tấn rác/ngày. Đến năm 2019, nhà máy xử lý rác thải đã hoàn thành xong việc xây dựng, song vấn đề đặt ra lúc này là đội ngũ nhân lực chưa đảm bảo.
Được sự động viên, hỗ trợ từ UBND xã Kim Đông, Hội Phụ nữ Huyện Kim Sơn, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, tháng 10/2019, HTX Dịch vụ Môi trường Kim Đông chính thức được thành lập với 17 thành viên, gồm 5 người trong ban quản lý và 12 công nhân. Họ đều là những nữ cán bộ từng công tác tại Hội Phụ nữ của xã.
Quy trình xử lý khoa học
Chia sẻ với VnBusiness, bà Nguyễn Thị Xuân – Giám đốc HTX Dịch vụ Môi trường Kim Đông cho biết, những ngày đầu thành lập bà và các công nhân trong HTX cũng chỉ xử lý rác theo cách mà nhiều mô hình cũ vẫn làm: thu gom, mang về lò đốt, loại rác nào không đốt được thì chôn lấp.
Tuy nhiên, do phụ thuộc quá nhiều vào lò đốt, rác thải bị tồn đọng nhiều, lại gây ô nhiễm không khí và đất. Nhận thấy phương pháp cũ không phù hợp, bà Xuân bắt đầu tìm hiểu cách để phân loại và xử lý rác thải sao cho khoa học, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên quý giá từ rác.
“Ban ngày tôi làm việc ở nhà máy, buổi tối về mở điện thoại và sách báo ra nghiên cứu. Ngoài đọc tài liệu, tôi còn đi hỏi những người nuôi tôm công nghiệp trong xã về cách họ xử lý chất thải để áp dụng cho công việc của mình”, bà Xuân chia sẻ.
Qua tìm hiểu, bà và các công nhân của nhà máy bắt đầu phân rác thành 3 loại: rác hữu cơ, rác có thể tái chế (nhựa, kim loại,…), rác không thể tái chế (vải vóc, gốm sứ, vỏ ngao, vỏ sò,… ).
Đối với rác có thể tái chế, các công nhân sẽ thu gom và bán cho các cơ sở buôn bán phế liệu. Rác hữu cơ được đưa vào máy nghiền, sau đó ủ phân vi sinh, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Một phần nhỏ rác không thể tái chế buộc phải chôn lấp hoặc cho vào lò đốt. Nhờ sự đầu tư của chính quyền địa phương, lò đốt của HTX được áp dụng công nghệ thông minh với 2 cửa đốt, giúp giữ nhiệt độ cao. Hệ thống xả thải cũng đảm bảo lọc được bụi và khí độc trước khi xả ra môi trường.
Được biết, trừ công đoạn đốt rác, mọi quy trình từ thu gom, phân loại và xử lý rác thải đều phải làm thủ công. Nhờ đó, rác được xử lý vô cùng sạch sẽ, nguồn tài nguyên quý giá bên trong cũng được tận dụng tối đa.
“Hết rác lúc nào thì nghỉ làm lúc đấy”
Tuy mang lại hiệu quả cao, quy trình xử lý rác mới cũng đòi hỏi tập thể công nhân phải có sự đoàn kết, chăm chỉ và cực kỳ tận tâm với nghề. Trên cương vị là người lãnh đạo, bà Xuân quyết định trực tiếp tham gia phân loại, xử lý rác thải cùng chị em công nhân.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Làm nghề này mà lãnh đạo chỉ biết “chỉ tay năm ngón” thì khó lòng mà làm gương cho công nhân”, bà Xuân nhân định.
Trừ ngày Mùng 1 Tết hoặc những lúc ốm đau, còn lại hầu hết các ngày trong năm bà Xuân cùng các chị em đều đến nhà máy để làm việc. Chủ nhật hàng tuần, trong khi công nhân nghỉ ngơi, bà Xuân lại cần mẫn dọn dẹp khu làm việc, trồng thêm một số cây cối quanh nhà máy để tạo cảnh quan. Với phương châm “hết rác lúc nào thì nghỉ làm lúc đấy”, khu tập kết và xử lý rác của HTX chẳng những không có rác thải tồn đọng mà còn có khuôn viên sạch sẽ thoáng đãng.
Bên cạnh những khó khăn trong việc vận hành nhà máy, bà Xuân và các thành viên của HTX Kim Đông còn chịu nhiều áp lực do sự thờ ơ, thiếu ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân.
“Nhiều người nghĩ mình mất tiền thuê công nhân nên chả việc gì phải phân loại, rác gì họ cũng cho hết vào một túi ni lông. Ở đây, chuyện bị kim tiêm hay mảnh chai đâm vào tay chảy máu xảy ra như cơm bữa”, bà Xuân bộc bạch.
Vì công việc vất vả, lại thêm tuổi đã cao, bà Xuân và nhiều thành viên HTX từng có ý định nghỉ làm, dành thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Tuy nhiên, nghĩ đến sự tin tưởng của bà con và các cấp chính quyền, cùng những chị em đang sống nhờ vào công việc này, bà Xuân lại có thêm động lực tiếp tục với nghề.
Nhằm nâng cao ý thức phân loại rác của người dân, ban lãnh đạo HTX đã chủ động phối hợp với Đài truyền thanh các xã và CLB Phụ nữ chống rác thải nhựa ở các xã để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhờ sự kiên trì và phối hợp nhịp nhàng của HTX cùng chính quyền địa phương suốt nhiều năm, ý thức của người dân trong xã dần được nâng cao.
Hiện nay, nhà máy của HTX đang đảm nhận việc thu gom và xử lý rác cho xã Kim Đông và một số vùng lân cận như xã Kim Trung, Kim Hải, Thị trấn Bình Minh... Công suất thu gom xử lý khoảng 6-7 tấn/ngày, bình quân mỗi tháng xử lý hơn 200 tấn rác thải sinh hoạt.
Mô hình này cũng mang lại thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng cho công nhân, giải quyết vấn đề việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương. Đặc biệt, những bãi rác tự phát tại địa phương hầu như không còn, giảm hẳn tình trạng ô nhiễm môi trường so với trước kia.
“Từ khi có nhà máy xử lý rác, môi trường trong xã chúng tôi sạch sẽ hơn nhiều, hiện tượng đốt rác tràn lan và vứt rác bừa bãi cũng giảm hẳn”, bà Vũ Thị Mai, người dân xóm 6, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho biết.
“Đau đầu” bài toán thiếu nhân công
Bước đầu đạt được những kết quả khả quan, ban lãnh đạo HTX mong muốn nâng cao công suất xử lý rác thải cho nhà máy, đồng thời mở rộng mô hình để giúp đỡ nhiều địa phương hơn nữa. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nhân công đang là “chướng ngại vật” ngăn cản các thành viên HTX thực hiện kế hoạch của mình.
Theo bà Xuân, rất nhiều người đã đến với HTX nhưng chẳng bao lâu lại bỏ việc vì không chịu được cực nhọc. Đã có giai đoạn nhà máy chỉ có 3 công nhân (bao gồm cả bà Xuân) nhưng phải xử lý rác của tổng cộng 4 xã trong huyện. Sức khỏe của những chị em phụ nữ tại đây cũng dễ bị ảnh hưởng vì thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại.
Vất vả là thế, nhưng thu nhập hiện nay của các thành viên HTX chỉ khoảng 250.000/ngày, tương đương hơn 7 triệu đồng/tháng. So với một số ngành nghề đòi hỏi sức lao động tương đương ở địa phương, đây là mức lương tương đối thấp, nhất là cho người lao động trong môi trường độc hại.
Bà Trần Thị Lan, Công nhân nhà máy xử lý rác tại HTX chia sẻ: “Nếu đi làm những công việc khác, chúng tôi hoàn toàn có thể được trả mức lương cao hơn, từ 300.000 - 350.000 đồng/ngày. Hơn nữa, không phải làm việc trong môi trường hôi thối, độc hại như ở nhà máy rác. Song, cũng vì trách nhiệm chung với cộng đồng mà nhiều năm qua các chị em vẫn đồng cam cộng khổ, cố gắng động viên lẫn nhau để quyết tâm gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp”.
Vì lẽ đó, theo Giám đốc Nguyễn Thị Xuân, điều quan trọng lúc này là cần nâng cao thu nhập và đãi ngộ cho những người làm công việc vệ sinh. Không chỉ lương, thưởng mà các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… phải được bảo đảm. Chỉ như vậy, đời sống của hàng ngàn công nhân vệ sinh môi trường mới được nâng cao, giúp họ gắn bó với nghề lâu dài. Đây cũng chính là điểm mấu chốt giúp thu hút nhân lực tham gia vào công việc này.
Quan trọng hơn cả, bà Xuân hy vọng mỗi người dân sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường, có ý thức phân loại rác tại nhà để công việc của bà đỡ vất vả.
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần làm thay đổi nhiều mặt của cuộc sống, việc thu gom và xử lý rác thải rồi đây cũng được hỗ trợ tốt hơn bởi công nghệ để giảm bớt sức lao động của con người. Nhưng trước khi công nghệ có thể thay thế hoàn toàn con người trong việc thu gom, xử lý rác thải thì cả xã hội phải cùng chung tay trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường.
Kim Yên - Hà Trang