“Nhịp cầu” nối những yêu thương

Đặng Thu Hằng
Những năm qua, không chỉ phát huy vai trò nòng cốt, triển khai hiệu quả các phong trào, cuộc vận động vì người nghèo..., Hội Chữ thập đỏ Việt Nam còn là “cầu nối” trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo..., góp phần trợ giúp kịp thời, thiết thực cho người nghèo, người yếu thế, khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
4-02-5627-1673687042.jpg
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương phối hợp các nhà hảo tâm tổ chức phiên "Chợ Tết 0 đồng' Xuân Quý Mão 2023 hỗ trợ quà cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn. (Ảnh: HỒNG THUẬN)

Hình ảnh chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), tới từng nhà trao các món đồ thiết yếu, tiền mặt hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn đã quen thuộc với người dân tại các xã Ngân Thủy, Sen Thủy, huyện Lệ Thủy. Bằng sự nhiệt tình và tâm huyết của mình, chị Thắm đã đồng hành, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn và góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện tại địa phương.

Gắn bó với hoạt động Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy trong suốt 12 năm, chị thường xuyên học hỏi để nắm bắt cái mới, rèn luyện và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn trong công tác. Với tâm niệm: “Để thực hiện tốt công tác hội, mọi việc mình làm phải xuất phát từ tâm, mọi suy nghĩ, hành động đều phải hướng thiện, không gượng ép, không vụ lợi, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh cũng là một niềm vui”.

Với sự đồng hành, quan tâm, hỗ trợ của Hội Chữ thập tỉnh và các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân thiện nguyện, chị Thắm và Văn phòng huyện Hội trở thành cầu nối để những tấm lòng nhân đạo trao gửi yêu thương đến với các hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, đối tượng yếu thế cần giúp đỡ. Bằng những việc làm cụ thể và đầy trách nhiệm, chị đã vận động người dân hưởng ứng thực hiện tốt các phong trào như: “Tết nhân ái-dinh dưỡng cho trẻ em nghèo”, “Chợ nhân đạo”... thực hiện cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo cho hàng nghìn lượt người...

Đồng hành với việc làm và tấm lòng thiện nguyện của chị Thắm, với phương châm “Vì mọi người, ở mọi nơi”, những năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện. Qua đó động viên, hỗ trợ kịp thời nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Để xứng đáng là “cầu nối” của những tấm lòng nhân ái, các cấp hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị và triển khai các phương thức hỗ trợ phù hợp nhu cầu của từng đối tượng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ ngày càng đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát cơ sở; nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo đã chuyển sang các mục tiêu nhân đạo phát triển bền vững.

Các phong trào, cuộc vận động, mô hình hoạt động của hội phong phú, đa dạng, có chiều sâu, thu hút được sự tham gia và hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân. Năm 2022, tổng giá trị công tác xã hội nhân đạo của toàn Hội đạt 3.729 tỷ đồng, trợ giúp 9.086.512 lượt đối tượng.

Trong đó, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Nhâm Dần đã vận động và trao hơn 2,555 triệu suất quà tặng người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và các hoạt động hỗ trợ khác.

Cùng với các hoạt động trợ giúp mang tính phát triển bền vững, như: trao tặng nhà chữ thập đỏ; cấp sổ tiết kiệm; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, hiến máu tình nguyện...,Hội Chữ thập đỏ Việt Nam còn tổ chức các chương trình: ”An toàn cho ngư dân nghèo khó khăn” giai đoạn 2022-2027 với mục tiêu chung cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2022, Chương trình đã trao tặng 17.167 bộ áo phao cứu sinh đa năng cho ngư dân tại 19 tỉnh, thành phố...

Theo lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bước vào thời kỳ mới, phát huy kết quả đạt được, Hội luôn khẳng định vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo của đất nước, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; sự ủng hộ của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế. Các phong trào, cuộc vận động, các hoạt động do Hội phát động, triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong xã hội, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo. Nhiều phong trào đã lan tỏa sâu, rộng và trở thành động lực giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiện tại hoạt động của Hội Chữ thập đỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên do ở một số nơi, bên cạnh sự thiếu quan tâm và chưa sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, hoạt động nhân đạo và tổ chức Hội ở một số nơi còn hạn chế; công tác quản lý, phát huy vai trò hội viên, tình nguyện viên ở một số địa phương, đơn vị vẫn chưa phù hợp, thiếu khoa học; một số cấp Hội chưa tích cực, chưa chủ động tham mưu để thực hiện tốt hơn các hoạt động nhân đạo; việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể có lúc chưa hiệu quả, chưa có chiều sâu; công tác tuyên truyền các giá trị nhân đạo, tuyên truyền về Hội ở một số địa phương chưa sâu rộng; còn thụ động trong vận động nguồn lực và xây dựng quỹ; việc thu hút, kêu gọi các chương trình từ thiện, nhân đạo của nhiều cơ sở còn thiếu sáng tạo cho nên hiệu quả mang lại chưa cao...

Để tiếp tục phát huy vai trò, xứng đáng là “cầu nối’ tin cậy của những tấm lòng yêu thương, cùng với việc thường xuyên đổi mới, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện, chăm sóc những người yếu thế, Hội Chữ thập đỏ cần củng cố, kiện toàn tổ chức hội từ Trung ương đến cơ sở; tập trung phát triển hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên chữ thập đỏ trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư...

Phát huy vai trò các câu lạc bộ, tổ, đội xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, mỗi hội viên, tình nguyện viên là hạt nhân tích cực, gương mẫu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội và công tác nhân đạo với tinh thần chủ động, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; xác định rõ hơn nhiệm vụ trọng tâm, có tính nền tảng, chiến lược và đột phá; nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Hội, từng bước tự chủ trong hoạt động của Hội và trợ giúp các đối tượng, thể hiện tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”...

Từ đó, khơi dậy tấm lòng nhân đạo, từ thiện trong cộng đồng để ngày càng có nhiều hơn nữa những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, khẳng định vai trò, sứ mệnh của Hội Chữ thập đỏ “Vì mọi người, ở mọi nơi”.