Cứ tầm khoảng 4-5h chiều, người dân ở các xã Thanh Xuân, Quang Tiến, Phù Lỗ, Mai Đình… (huyện Sóc Sơn) lại chất từng đống rơm to, rối quẹt lửa đốt bỏ khiến bầu không khí luôn sặc sụa mùi khói.
Đặc biệt, các cánh đồng ở những xã này chỉ cách sân bay Nội Bài mấy trăm mét gây ảnh hưởng đến an toàn của máy bay. Năm nào Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng phải gửi công văn đề nghị huyện Sóc Sơn, và các xã địa bàn lân cận vào cuộc để ngăn chặn tình trạng trên, song việc đốt rơm rạ tùy tiện vẫn tái diễn. Người châm đốt rơm rạ lập tức rời đi ngay, mặc cho khói lửa vẫn đang cháy mù mịt.
Tại 1 khu vực trên đường Mê Linh - Phúc Yên (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội), những cột khói bốc lên vào các buổi chiều khiến phương tiện lưu thông trên đường bị che khuất tầm nhìn rất nguy hiểm. Khói bụi theo gió bay về khu vực nội thành càng làm cho không khí đặc quánh, khó chịu.
Theo Sở TN&MT thành phố Hà Nội, hiện tỷ lệ đốt rơm rạ ở các huyện còn khá phổ biến, trung bình chiếm khoảng 20% tổng lượng rơm rạ phát sinh sau mùa vụ. Chỉ riêng vụ Xuân năm 2022, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn thành phố là 85.188ha, tương ứng với khối lượng rơm rạ khô người dân bỏ lại khoảng 402.930 tấn. Trong đó, các huyện có khối lượng rơm rạ phát sinh lớn như Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức…
Bà Đào Thị Anh Điệp - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT thành phố Hà Nội), cho biết, với 20% lượng rơm rạ bị đốt trên địa bàn thành phố sẽ phát sinh 179 tấn bụi PM10, 163 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng. Đáng lo ngại nhất là bụi mịn PM2.5 - tác nhân gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.
Hạ thi đua có dẹp được đốt rơm rạ?
Để kiểm soát hoạt động đốt rơm rạ, chất thải bừa bãi, vào tháng 9/2020 UBND thành phố Hà Nội đã có hẳn 1 chỉ thị (số 15/CT-UBND), trong đó nêu rõ, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, bảo đảm từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ... Dù vậy, đến hẹn lại lên, sau mùa gặt, tình trạng này đâu vẫn hoàn đấy.
Ông Ngô Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) cho biết, chính quyền xã thường xuyên thành lập tổ kiểm tra để tuyên truyền, xử phạt các trường hợp vi phạm. Theo đó, đến nay, tình trạng này đã giảm khoảng 50% so với trước. Tuy nhiên, như ông Trường nói, thói quen canh tác và người dân thường cố tình chọn vào thời điểm nhạy cảm vào buổi chiều tối đốt trộm nên vẫn chưa thể xử lý triệt để. Khi được hỏi có bao nhiêu hộ dân trong xã đã bị xử phạt do đốt rơm rạ này, ông Trường đáp: “Chưa thống kê được”.
Còn xã Quang Tiến, dù vừa được UBND huyện Sóc Sơn đưa vào danh sách 1 trong 6 xã có tình trạng đốt rơm rạ nhiều nhất trên địa bàn; ông Lê Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã này vẫn khẳng định, trên địa bàn không còn tình trạng đốt rơm rạ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Trong tháng 10, huyện đã hạ một bậc thi đua đối với chủ tịch UBND 6 xã để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ nhưng không kịp thời ngăn chặn, gồm: Thanh Xuân, Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình, Hiền Ninh và Quang Tiến. Nếu tình trạng này còn tái diễn, UBND huyện sẽ có hình thức xử lý nặng hơn”.
Hỏi về xử lý trách nhiệm cán bộ, ông Lê Văn Khương-Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, đã giao Phòng TN&MT triển khai kế hoạch tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt nêu cao trách nhiệm của các chủ tịch UBND xã. Vị này cũng cho hay, từ nay đến cuối năm, nếu các xã còn tiếp tục tình trạng đốt rơm rạ, UBND huyện sẽ không tính thi đua cho các chủ tịch xã.
Ngoài những địa bàn đốt rạ, vùng ngoại thành đốt rác tự phát cũng rất nhiều. Cơ nơi như đê Ngọc Thụy, cỏ mọc tốt, người dân đốt rác tự phát khiến cháy lớn, cứu hỏa phải vào cuộc. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, trong mấy ngày gần đây, UBND quận nắm được thông tin phản ánh từ người dân về việc đốt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Tuy vậy, khi phóng viên tìm các phường Giang Biên, Việt Hưng đến để hỏi về tình trạng xử lý những trường hợp đốt rác thải bừa bãi, chủ tịch UBND các phường này đều né tránh.
Lãng phí nguồn tài nguyên hàng tỷ USD
Theo GS Võ Tòng Xuân, trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các phế, phụ phẩm nông nghiệp. Minh chứng là trong số 43 triệu tấn rơm hiện nay, chúng ta mới thu gom, sử dụng được khoảng hơn 52%; chất thải chăn nuôi cũng chưa được thu gom, sử dụng hiệu quả, chỉ đạt 48% ở quy mô nông hộ.
“Với việc chế biến, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam có thể mang lại 4 - 5 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay mới đạt khoảng 275 triệu USD nên chúng ta vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường”, ông Xuân nói.
Theo báo Tiền Phong