Theo đó, Tháng Nhân đạo năm 2023 tổ chức trên địa bàn Hà Nội nhằm tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng nhân ái tốt đẹp trong các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các lực lượng xã hội trong công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái; Tháng Nhân đạo là tháng cao điểm để các cấp Hội đồng loạt triển khai vận động nguồn lực, xây dựng quỹ nhằm hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng nhân ái.
Trao quà hỗ trợ các đối tượng yếu thế. |
Các hoạt động Tháng Nhân đạo được tổ chức rộng khắp trong toàn hệ thống Hội, trong cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, lồng ghép các hoạt động để tăng hiệu ứng, có sức lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân; các hoạt động nhân đạo được tổ chức đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và của cấp Hội, phát huy được vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội Chữ thập đỏ các cấp trong công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ.
Hội Chữ thập đỏ Thành phố tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị trong Thành phố thực hiện hỗ trợ ít nhất 1 địa chỉ nhân đạo hoặc triển khai 1 công trình, phần việc nhân đạo trong Tháng Nhân đạo, giao các nhiệm vụ nhân đạo cho Hội Chữ thập đỏ chủ trì thực hiện.
Vận động, kết nối để xây mới, sửa chữa được 1 điểm “Bếp sạch - Cơm ngon” tại điểm trường mầm non, tiểu học có điều kiện đặc biệt khó khăn, trị giá tối thiểu 150 triệu đồng; vận động, hỗ trợ sinh kế cho ít nhất 5 hộ ngư dân nghèo, khó khăn tại các địa phương thuộc Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” với mức trợ vốn ít nhất 10 triệu đồng/hộ.
100% Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện, thị xã tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Tháng Nhân đạo và tổ chức Lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2023 theo hình thức phù hợp; 100% Hội Chữ thập đỏ cấp quận, huyện, thị xã và cấp cơ sở có bài tuyên truyền về Tháng Nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác tại địa phương; vận động mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên phản ánh các hoạt động nhân đạo trên các nền tảng mạng xã hội; 100% Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện, thị xã căng, treo khẩu hiệu truyền thông Tháng Nhân đạo tại trụ sở cơ quan Hội.
Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện, thị xã, mỗi đơn vị xây dựng 1 công trình nhân đạo có trị giá từ 50 triệu đồng trở lên; tổ chức chương trình khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; tặng xe đạp, học bổng, sổ tiết kiệm… trị giá tối thiểu 30 triệu đồng trở lên; tổ chức thăm hỏi tặng quà cho tối thiểu 200 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá từ 300.000 đồng trở lên.
Vận động, kết nối hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Chữ thập đỏ, hỗ trợ sinh kế cho hộ ngư dân nghèo, khó khăn (tại các tỉnh thuộc Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”); xây mới, sửa chữa công trình “Bếp sạch - Cơm ngon” tại các trường mầm non, tiểu học có điều kiện đặc biệt khó khăn; trao tặng sữa, học bổng, xe đạp… hỗ trợ dinh dưỡng, cải thiện điều kiện học tập cho trẻ em nghèo, khuyết tật.
Từ ngày 1-5 đến 8-5, các cấp Hội đồng loạt tổ chức Lễ phát động Tháng Nhân đạo gắn với kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế; khởi công xây dựng nhà Chữ thập đỏ; hỗ trợ vốn, trao tặng xe đạp, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Từ ngày 9-5 đến 19-5 tổ chức các chương trình khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; tổ chức hiến máu tình nguyện; đăng ký hiến mô, hiến tạng, bộ phận cơ thể. Từ ngày 1-5 đến 31-5 tổ chức các hoạt động như thăm tặng quà, trợ giúp các địa chỉ nhân đạo (cá nhân và tập thể), hỗ trợ sinh kế khác,…