Nhân rộng 'Ngôi nhà Ánh Dương' để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực

Nguyễn Diệp Linh
Đây là chủ đề trọng tâm của Hội thảo 'Chia sẻ kinh nghiệm vận hành và nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam' do Bộ LĐTBXH, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức ngày 25/5/2023.

Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực – Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và thích hợp bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, các dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp, chuyển tuyến… cho phụ nữ và trẻ em gái đang bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình, trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm, được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, quyền riêng tư, bảo mật.

Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được thành lập tại Quảng Ninh vào tháng 4/2020 thông qua Dự án “Xây dựng mô hình ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” do KOICA tài trợ, giai đoạn 2017-2021 với tổng kinh phí là 2,5 triệu USD.

Sau 2 năm thành lập và hoạt động, mô hình đã khẳng định hiệu quả, tính ưu việt trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể, trong công tác tiếp nhận, cung cấp dịch vụ trợ giúp người bị bạo lực trên cơ sở giới, số lượng người tiếp cận thông tin qua tổng đài 19.065 cuộc gọi; trong đó tư vấn, cung cấp thông tin, kết nối trợ giúp cho 516 trường hợp; số người lên tiếng tố cáo và sử dụng dịch vụ trợ giúp tại Ngôi nhà Ánh Dương 33 người; số người được hỗ trợ tại cộng đồng 17 người; số người gây bạo lực được tư vấn, can thiệp 12 người.

Trong năm 2022, có thêm 3 Ngôi nhà Ánh Dương được thành lập tại các tỉnh Thanh Hóa, TP Đà Nẵng và TP HCM. Đại diện của 4 Ngôi nhà Ánh Dương cho biết, các nhân viên cung cấp dịch vụ tại các Trung tâm dịch vụ một cửa phải làm việc rất vất vả để đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ của người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Tính đến nay, 4 Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 60 người bị bạo lực giới tại Ngôi nhà Ánh Dương và gần 1.100 người bị bạo lực giới tại cộng đồng. Ngoài ra, đường dây nóng của các Ngôi nhà Ánh Dương đã tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ cho hơn 20 nghìn cuộc gọi từ người bị bạo lực.

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm vận hành và nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam” ngày 25/5/2023

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm vận hành và nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam” ngày 25/5/2023

Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, mặc dù 4 Ngôi nhà Ánh Dương đang hoạt động hiệu quả, song nhu cầu hỗ trợ của người bị bạo lực giới vẫn còn rất cao. Do đó, UNFPA kêu gọi nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa nhằm phát hiện ngăn chạn hành vi bạo lực và hỗ trợ người bị bạo lực này đến các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại Việt Nam, UNFPA muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái có quyền được sống cuộc sống không có bạo lực và không bị tổn hại nhân phẩm, không bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Đánh giá cao hiệu quả và sự cần thiết của mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực – Ngôi nhà Ánh Dương, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực tronh việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Với quan điểm lấy người bị bạo lực là trung tâm trong quá trình cung cấp dịch vụ, việc thảo luận các giải pháp nhằm nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa như Ngôi nhà Ánh Dương là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận các dịch vụ tổng hợp, thiết yếu và có chất lượng. Để làm được điều này đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là phải có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong việc hỗ trợ người bị bạo lực giới”.

Hồng Minh