Nhân chứng kể lại phút kinh hoàng nhất trong lịch sử bóng đá Indonesia

Đặng Thu Hằng
Số người chết trong bi kịch sân vận động Kanjuruhan tại Indonesia thậm chí còn vượt xa tổng số người chết trong lịch sử trước đây của bóng đá nước này. Một nhân chứng có mặt trên sân không thể nào quên cảnh tượng kinh hoàng khiến 130 người chết, 180 người khác bị thương.

Thảm kịch bạo lực trên sân Kanjuruhan trong trận đấu giữa Arema và Persebaya tối 1/10 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 127 người, bao gồm 125 CĐV và 2 cảnh sát. Theo CNN Indonesia, số người chết đã tăng lên 130 sau khi có thêm 3 người tử vong tại bệnh viện. Đây là một trong những vụ bạo lực có số thương vong lớn nhất lịch sử bóng đá.

Rezqi Wahyu - một CĐV của Arema may mắn thoát chết trong vụ bạo loạn thông qua tài khoản Twitter của mình đã kể lại vụ việc. Anh này viết, các khán giả quá khích và cảnh sát đã có xô xát sau khi trận đấu kết thúc. CĐV Arema bất bình với phong độ của đội nhà dẫn đến mất bình tĩnh. Đây là nguyên nhân châm ngòi khiến thảm kịch xảy ra.

"Ban đầu, trận đấu diễn ra suôn sẻ và an toàn. Không có bất cứ điều bất thường nào. Trong thời gian nghỉ giữa hai hiệp, CĐV chỉ đôi, ba lần tạo ra đôi chút huyên náo. Mọi sự cố đều ở trong tầm kiểm soát của lực lượng an ninh", Rezqi nhớ lại.

kerusuhan-di-stadion-kanjuruhan-3-169-1664686236.jpeg
Thảm kịch trên sân vận động Kanjuruhan. (Ảnh: CNN Indonesia)

Bạo loạn bắt đầu bùng phát khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên và Arema thua chung cuộc 2-3 trước Persebaya. Theo CĐV Rezqi, các cầu thủ Arema rất thất vọng với trận thua. Ban huấn luyện các các cầu thủ chủ nhà đã tiến đến sát khán đài để xin lỗi CĐV. Tuy nhiên, điều này không thể xoa dịu cơn giận của khán giả.

"Một số CĐV quá khích đã bày tỏ sự thất vọng với cầu thủ Arema. Johan Alfarizie (cầu thủ thuộc biên chế Arema) đã cố gắng giải thích về thất bại của đội nhà, nhưng càng về sau, sân vận động càng hỗn loạn. Các khán giả nhà rất thất vọng với cầu thủ", Rezqi chia sẻ.

Sau đó tình hình trở nên xấu đi khi nhiều CĐV bắt đầu mất kiểm soát và ném đồ đạc xuống sân. Các cầu thủ của cả hai đội sau đó được dẫn vào phòng thay đồ.

Ngay khi cầu thủ rời sân, các CĐV càng lúc càng quá khích và tràn xuống sân nhiều hơn. Cảnh sát đã nỗ lực đẩy lùi nhóm CĐV quá khích khi dùng khiên đập vào người những kẻ làm loạn. Tuy nhiên, khi cảnh sát trấn áp CĐV ở khán đài phía Nam, các CĐV ở khán đài phía Bắc đã tràn xuống tấn công lực lượng an ninh.

kerusuhan-di-stadion-kanjuruhan-12-169-1664686236.jpeg
Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để trấn áp những CĐV quá khích. (Ảnh: CNN Indonesia)

Lực lượng an ninh sau đó đã dùng đến hơi cay để giải tán đám đông nhưng hành động này vô tình phản tác dụng khiến tình hình khi đó càng trở lên tồi tệ hơn vì các CĐV hoảng loạn tìm cách rời sân.

"Hàng chục quả đạn hơi cay đã được bắn vào CĐV. Mọi ngóc ngách của sân vận động đều bị bao vây bởi hơi cay. Ngoài ra ở khán đài 10, khu vực nhiều CĐV ngồi cũng bị bắn hơi cay. Phía trên khán đài lúc ấy quá hỗn loạn hơn. Họ chạy tìm lối ra, nhưng tiếc là lối ra chật cứng người.

Nhiều phụ nữ, người già và trẻ nhỏ không thể thở được vì hơi cay và hoàn toàn bất lực giữa dòng người. Họ không thể chen vào đám đông để rời khỏi sân. Cảnh sát bắn hơi cay từ nhiều hướng và khiến tất cả chen lấn nhau chật cứng", Rezqi nhớ khung cảnh kinh hoàng đó.

indonesia-soccer-riot-getty-1664686276.jpeg
Ít nhất 130 người tử vong, trong đó có 2 cảnh sát. (Ảnh: CNN Indonesia)

Số người chết trong sự cố chết người tại Sân vận động Kanjuruhan này đã vượt qua cả thảm kịch xảy ra tại Sân vận động Thể thao Accra ( Accra, Ghana). Vụ việc xảy ra tại một trong những quốc gia ở châu Phi khiến 126 người thiệt mạng vào ngày 9/5/2001.

Thu Hằng