Gặp nguy vì thuốc lá điện tử
“Bạn cháu mua thuốc lá điện tử và mời cháu hút. Mới đầu hút cháu không bị sao, nhưng sau đó khoảng 30 phút, cháu ngủ thiếp đi, không biết gì cả. Khi tỉnh dậy, cháu bị ảo giác, nôn và thấy đầu óc choáng váng…”, em T.T., một học sinh lớp 8 (ở Hà Nội) phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai chưa hết hoảng sau lần ngộ độc thuốc lá điện tử, kể.
Nhìn đứa con dại dột với vẻ lo lắng, chị H., mẹ em T. chia sẻ: “Tôi biết cháu có sử dụng thuốc điện tử và đã khuyên cháu nhiều là thuốc lá có thể gây nghiện. Nhưng tôi không biết rằng cháu vẫn lén lút hút. Đáng lo không chỉ gây nghiện mà kẻ xấu còn có thể trộn ma tuý, các chất độc hại vào tinh dầu, trẻ hút vào rất nguy hiểm”.
Trước đó, em T. đã có một thời gian sử dụng thuốc lá điện tử, nghĩ là “mốt” của giới trẻ nhưng sự việc nguy hiểm đã xảy ra trong một lần bạn bè rủ em thử hương vị mới; tò mò lại không hề biết lọ tinh dầu dùng để hút có chất gì bên trong, T. hút và đã bị ngộ độc, được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Tiếp nhận trường hợp này, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã gửi mẫu tinh dầu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân sử dụng đi kiểm nghiệm cho kết quả dương tính với chất ma túy thế hệ mới. Trong mẫu thuốc lá điện tử này đã tìm thấy chất MDMB Butinaca, là chất ma túy (hay được gọi là cần sa tổng hợp), tuy nhiên có cấu trúc khác hẳn cần sa. Loại ma túy thế hệ mới này hiện mới chỉ có một vài phòng thí nghiệm ở nước ta phát hiện được.
Cũng mới đây, một nam sinh viên (20 tuổi, đang học tại Hà Nội) cũng bất ngờ bủn rủn chân tay và mất dần ý thức sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Bạn cùng phòng của nam thanh niên đã nhanh chóng đưa bạn vào một bệnh viện để cấp cứu trong trạng thái hôn mê, phải đặt ống, thở máy xâm nhập và nhanh chóng chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng nguy kịch; phải can thiệp hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc an thần, chống phù não, chống co giật, hỗ trợ tuần hoàn. Rất may, bệnh nhân đã hồi phục sau khi được điều trị tích cực. Bệnh nhân có thể đã bị sốc, ngộ độc với các chất có trong dung dịch thuốc lá điện tử, điển hình như Nicotine.
Những trường hợp ngộ độc do thuốc lá điện tử đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Các cơ sở y tế liên tục tiếp nhận các trường hợp ngộ độc, ảnh hưởng tâm thần vì nghiện thuốc lá điện tử thuốc lá nung nóng, đa số ở giới trẻ. Đáng lo ngại là việc hút thuốc lá điện tử đang là “trend” ở một bộ phận người trẻ, nhất là độ tuổi học sinh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân các sản phẩm thuốc lá mới dễ dàng “xâm nhập” vào giới trẻ hiện nay chủ yếu là do thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp, giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên, người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới, đa dạng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ dễ dàng tiếp cận.
Kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ học sinh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8 - 12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%; con số này tăng nhanh khi so sánh với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% đến năm 2020 đã tăng 18 lần (lên khoảng 3,6%). Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm từ 15 - 24 tuổi.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: Từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc đến Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong quá trình cấp cứu, điều trị đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma tuý, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma tuý thế hệ mới, là chất độc.
Việc hút thuốc lá điện tử ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi. Đặc biệt, một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.
Cần biện pháp quản lý kịp thời
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định: “Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước. Tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phẩm này thường được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị hấp dẫn với giới trẻ, điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trước tình hình khó quản lý như hiện nay, nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam, thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng. Trong khi các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe đối với thế hệ trẻ, gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện việc thực thi các quy định pháp luật, xử lý vi phạm vẫn còn yếu, dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến bán thuốc lá, quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm... vẫn còn phổ biến. Vì vậy, cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, trong đó tập trung xử lý vi phạm tại địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu…
Đặc biệt, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn gia tăng sức mua, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ.
Cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới. Truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên trong bảo vệ trẻ em.
Về ý kiến cho thí điểm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vừa qua, theo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Đặc biệt, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Theo đó, việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và điều kiện Việt Nam. Nếu cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử sẽ dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự.
"Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này, thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần…", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định.