Gian nan hành trình đỏ
Chúng tôi tìm đến thôn Dượng Thượng (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để được gặp nhân vật đặc biệt này. Quả thực, khi gặp gỡ và trò chuyện cùng ông Thanh, chúng tôi đã nhận được niềm vui qua những câu chuyện ông Thanh kể.
Ông Lê Hữu Thanh (SN 1970) sinh ra và lớn lên trên một vùng quê ngoại thành Hà Nội. Ông được người dân quanh xóm nhận xét là một người lạc quan và luôn đem đến những điều tích cực.
Nhớ lại lần đầu tiên đi hiến máu ông Thanh vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc: “Năm 1997 lúc đó tôi đang làm Bí thư Đoàn xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn lần đầu tổ chức hiến máu tình nguyện, tôi lập tức xung phong tham gia. Lúc đó thấy cây kim lấy máu, sự thật bản thân tôi đã sợ và không dám hiến máu. Nhưng nghĩ đây là công việc thiện nguyện cứu người khi họ cần nên tôi bỏ qua sợ hãi tiếp tục hiến máu”.
Qua 26 năm, số lần hiến máu của ông Lê Hữu Thanh đã lên đến 82 lần và trao đi hơn 30 lít máu. Ông Thanh cho biết con số ấy vẫn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai cho đến khi bản thân không còn đủ điều kiện hiến máu cứu người.
Ngoài việc bản thân và gia đình nhiệt tình tham gia các chương trình hiến máu, ông Thanh còn là người tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện tại thôn, xã nơi ông sinh sống.
Tuy nhiên, trong công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến máu ông Thanh gặp rất nhiều khó khăn. Quay trở về năm 1997, những tháng năm cơm ăn còn chưa đủ no, hiến máu là một hoạt động bị người lớn tuổi phản đối. Bởi quan niệm máu là vô giá - “Một giọt máu bằng sáu bát cơm” đã ăn sâu vào tâm trí họ.
“Khi xưa vận động hiến máu chúng tôi không dám vào từng nhà vận động vì người lớn họ không cho. Các thanh niên phải tổ chức họp kín để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia chương trình ý nghĩa này” - ông Thanh chia sẻ.
Cuối cùng bằng sự kiên trì, đợt thí điểm hiến máu nhân đạo tại huyện Sóc Sơn năm 1997, ông Thanh đã vận động được hơn 1.000 thanh niên tham gia. Đó là một con số không hề nhỏ.
Ông Trần Tiến Lực – Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ huyện Sóc Sơn cho biết: “Ông Lê Hữu Thanh là một trong những cá nhân tiêu biểu của huyện Sóc Sơn. Đặc biệt với số lần hiến máu của ông Thanh đã được thành phố, huyện đánh giá rất cao và trao tặng nhiều giấy khen. Bên cạnh đó, công dân tiêu biểu Lê Hữu Thanh cũng có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động các chương trình hiến máu tình nguyện mà huyện tổ chức”.
“Còn khoẻ tôi còn cống hiến”
Người đàn ông có số lần hiến máu tình nguyện nhiều hơn số tuổi của bản thân nay đã 53 tuổi, thế nhưng ông Lê Hữu Thanh vẫn luôn cống hiến nhiệt huyết của mình cho công tác hiến máu từ thiện.
Nhìn những chiếc “sổ đỏ” có trong tay sau bao năm miệt mài cống hiến, ông Thanh tâm sự: “Tôi tham gia hoạt động thiện nguyện này đều đặn mỗi năm 2-3 lần.
Giọt máu của mình cho đi sẽ góp phần cứu sống người bệnh. Có khi rồi cũng sẽ đến lượt mình hoặc những người thân lại cần những giọt máu như thế".
Nói rồi, ông Thanh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của chính gia đình mình. Năm 1991, khi đi cấy mẹ ông Thanh bị kim tiêm xuyên vào chân và bị nhiễm trùng máu. Ngày ấy cũng nhờ những giọt máu hồng của người khác mà mẹ ông đã thoát khỏi bàn tay tử thần. Rồi khi bố ông Thanh lâm bệnh nặng cũng nhờ những giọt máu nhân đạo mới có thể kéo dài thời gian ở lại với con cháu.
Sau nhiều biến cố, giá trị của giọt máu hồng lại càng trở nên đặc biệt đối với ông Thanh. Không chỉ vận động người ngoài mà ông còn vận động thêm cả người thân trong gia đình, anh trai, em gái và cả vợ cùng đi hiến máu.
Vợ ông Thanh - bà Nguyễn Thị Hiển bộc bạch: "Vì đây là hành động tốt cứu người cho nên tôi quyết định đồng hành cùng chồng đi hiến máu. Đến nay, tôi đã hiến máu 5 lần rồi.
Học tập và làm theo tấm gương của bố, con trai và con gái tôi cũng thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện”.
Nhìn những tấm bằng khen treo trang trọng trong phòng khách và những chiếc “sổ đỏ” ghi nhận chiến tích hiển hách bao năm qua trong công tác tuyên truyền, hiến máu tình nguyện, ông Thanh vui vẻ khẳng định: “Năm nay tôi lại hiến máu, còn khỏe tôi còn cống hiến. Hy vọng mỗi thanh niên nên coi việc hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp”.
Theo báo Dân Việt