Nghệ An: Người dân Kỳ Sơn cạn kiệt lương thực, nhu yếu phẩm sau 1 tuần bị cô lập

Nguyễn Diệp Linh
Sau 1 tuần bị cô lập do mưa lũ và sạt lở đất, hàng nghìn hộ dân ở 2 xã Bảo Nam và Bảo Thắng huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, bắt đầu cạn kiệt lương thực, nhu yếu phẩm.

Sau những nỗ lực khắc phục, đến sáng 12/9, tuyến đường từ trung tâm huyện Kỳ Sơn đến trung tâm xã Bảo Nam đã được thông tuyến. Tuy nhiên, hàng nghìn hộ dân các bản xa vẫn bị cô lập do các tuyến đường xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở. Ông Lô Văn Mươi - Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Nam cho biết, lương thực, nhu yếu phẩm bắt đầu cạn kiệt, chính quyền đang tăng tốc vận chuyển vào tiếp tế cho người dân.

"Còn 4 bản bị tắc đường chưa thể thông xe. Anh em đang điều thêm máy móc, phương tiện để thông đường và vận chuyển nhu yếu phẩm. Hiện còn khó khăn là mấy năm qua mất mùa, lương thực chủ yếu tự cung tự cấp, sau 1 tuần thì cũng hết. Huyện đang huy động anh em dân quân gùi qua 2 khe suối nước to, sau đó tăng bo xe máy vào trung tâm khoảng 10km để tiếp tế cho bà con", ông Mươi nói.

Cùng với Bảo Nam, đến thời điểm này xã Bảo Thắng huyện Kỳ Sơn vẫn bị cô lập, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa thể tiếp cận được trung tâm xã. Ông Nguyễn Bá Cường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết, phần lớn người dân là dân tộc Khơ Mú, cô lập kéo dài nên khó khăn về lương thực, thực phẩm. Chính quyền địa phương đang tập trung vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm bằng mọi cách, đảm bảo đời sống người dân.

3-12-09-2022-10-05-04-1662975859.jpgSạt lở khiến hàng nghìn hộ dân ở Kỳ Sơn vẫn đang bị cô lập.

"Hiện nay, đang đưa hàng cứu trợ vào Bảo Nam, Bảo Thắng tiếp tục bị tắc. Hiện tại đang cần cứu trợ, hỗ trợ, đồng bào Khở Mú cả. Thống kê đến thời điểm này còn cả 100 điểm sạt lở lớn nhỏ", ông Cường nói.

Tối qua (11/9), tại huyện Kỳ Sơn, tiếp tục xuất hiện mưa lớn, gây khó khăn cho công tác khắc phục. Nhiều điểm sau khi được san gạt, khắc phục thông tuyến, ngay sau đó lại xảy ra sạt lở. Mặc dù lực lượng chức năng, chính quyền địa phương huy động tổng lực cho công tác xử lý, khắc phục các điểm sạt lở. Tuy nhiên, thời tiết tại đây vẫn diễn biết bất thường, mưa vẫn diễn ra, xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở.

Trong khi đó, phương tiện máy móc hạn chế. Sáng nay (12/9), chính quyền địa phương đang ưu tiên phương án vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm vào các bản xa bằng đường bộ qua các điểm sạt lở.

Trước đó vào ngày 11/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký Công điện số 18/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Công điện nêu rõ: Những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại nhà cửa, tài sản của nhân dân và Nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, có nơi đã xảy ra thiệt hại về người.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có xu thế phức tạp, cực đoan, bất thường, thì mưa lớn, ngập lụt cục bộ, lũ quét, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ kịp thời, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ; các công ty thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện ngay một số việc cấp bách:

Tập trung chỉ đạo rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.

Bên cạnh đó, theo dõi, cập nhật diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò; các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá... trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người; tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với người già và trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.

Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp; chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước; bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT- TKCN và PTDS tỉnh) biết để xử lý kịp thời.

PV