Ngày 11/9, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, những ngày qua, mưa lớn kéo dài xảy ra đã gây thiệt hại về nhà ở, hoa màu, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở khiến chia cắt một số địa phương.
Trước tình hình nói trên, UBND huyện Kỳ Sơn đã huy động hàng trăm cán bộ, lực lượng công an, bộ đội… đến các địa bàn xảy ra sạt lở, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Đặc biệt, tại bản Nam Tiến 2, thuộc xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn) đã xuất hiện một vết nứt lớn kéo dài khoảng 700m, chiều rộng lớn nhất 25cm, nơi sâu nhất khoảng 1m. Vết nứt chạy qua nhiều ngôi nhà dân trong bản, một số ngôi nhà bị vết nứt chạy sát tường nhà khiến người dân hết sức hoang mang, lo sợ.
Được biết, trước đây tại phía trên núi và phía dưới bản Nam Tiến 2 cũng đã từng có vết nứt và sụt lún từ lâu. Chính quyền cũng đã có kế hoạch di dời, tái định cư các hộ dân ở bản này sang vị trí khác.
Bản Nam Tiến 2 hiện có 56 hộ dân với 380 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Người Dân bản ở đây chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, lao động tự do và đan lát, tỷ lệ hộ nghèo cao 69,6% (39 hộ).
“Ngay sau khi phát hiện sự việc trên, chính quyền đã cho sơ tán khẩn cấp 52 hộ dân tại bản Nam Tiến 2 đến điểm trường Mầm non của bản để đảm bảo an toàn”, ông Rê cho hay.
Ngoài việc xuất hiện vết nứt nguy hiểm, trong trận mưa lũ vừa qua, Bảo Nam là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất huyện miền núi Kỳ Sơn với 26 hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa. Trong đó, có 4 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 15 nhà thiệt hại nặng, 9 nhà dân bị thiệt hại một phần…
Hiện tại tuyến đường vào trung tâm xã Bảo Nam vẫn đang bị ách tắc. Chính quyền địa phương vẫn đang huy động tối đa nhân lực và máy móc để sớm thông tuyến, đảm bảo an toàn giao thông.
Trong khi đó, mưa lũ cũng làm cho đoạn Km194+050, quốc lộ 7A (thuộc bản Hòm, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) bị nứt gãy mặt đường. Ngay khi nhận được tin, Chi cục quản lý đường bộ II.2 (Cục Quản lý đường bộ II) đã chỉ đạo hạt giao thông huy động máy móc, nhân lực khắc phục, đảm bảo giao thông tạm thời trên tuyến.
Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện có khoảng 160 nhà dân, cơ quan, trụ sở ngập nước, hàng trăm ha hoa màu, ao cá bị lũ cuốn trôi. Ước tính thiệt hại ban đầu do mưa lũ lên tới hơn 50 tỷ đồng.
Hiện các địa phương ở Nghệ An vẫn đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, hỗ trợ, giúp đỡ người dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 11/9, UBND tỉnh Nghệ An ban hành công điện hỏa tốc yêu cầu ngành chức năng và các địa phương thực hiện ngay một số việc cấp bách nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Cụ thể, tập trung chỉ đạo rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn. Sử dụng lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.
Một trong những nhiệm vụ cấp bách là theo dõi, cập nhật diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò; các tuyến đường giao thông, ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại…
Hướng dẫn người dân về kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá... trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.
UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.
PV