5 người chết và mất tích do mưa lũ tại 3 tỉnh

Nguyễn Hồng Hạnh
Tính đến chiều 11/9, tại 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh ghi nhận 5 người chết và mất tích do mưa lũ.
Mặc dù thời tiết đã hết mưa, nhưng tình trạng ngập lụt, sạt lở đang diễn biến bất thường, đặc biệt các huyện miền núi. Tại huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến thời điểm này vẫn còn 2 xã bị cô lập là Bảo Nam và Bảo Thắng, do đất đá sạt lở gây ách tắc giao thông. Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân bị cô lập, địa phương đang cố gắng thông đường để tiếp cận các điểm này.

"Có nhiều đoạn khắc phục rồi sạt lở, cả xã, huyện, đang tích cực ngày đêm khai thông. Hiện đang tắc ở 2 xã Bảo Nam và Bảo Thắng. Riêng Bảo Nam khắc phục được từ trưa (ngày 11/9), huyện chuẩn bị vận chuyển hàng hoá vào thì lại tiếp tục bị sạt lở. Hiện nay huyện đang tăng cường máy và tiếp tục tăng cường các tuyến. Nếu thời tiết thế này, không sạt nữa thì ngày mai sẽ vào đến xã, từ xã vào đến các bản chắc phải vài ngày nữa mới thông được…"- ông Rê nói.

Đến thời điểm này tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 2 người chết do mưa lũ gây ra; hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ trên các tuyến giao thông; phải đóng đường Quốc lộ 48E tại 3 điểm do mưa lũ, sạt lở; một số nhà dân bị sạt, sập, nước vào; hàng trăm ha hoa màu, diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập nước…

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: "Bây giờ tập trung những vùng sạt trượt phải thông đường, tiếp cận vùng cô lập, đối với vùng ngập úng cố gắng tiêu úng, cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dâ; một số vùng có nhiều vết nứt, hiện tượng sạt trượt thì phải di dời đảm bảo an toàn người dân; khu vực ngập úng phải tiêu thoát; chúng tôi cảnh báo cấp đánh bắt cá, vớt củi trên sông, suối".

Tại tỉnh Thanh Hoá, đã ghi nhận có 2 người chết do mưa lũ. Hôm nay trời đã hửng nắng, nước trên các sông, suối rút đáng kể. Tuyến tỉnh lộ 520B đoạn vào 6 xã phía tây huyện Như Xuân đã được thông tuyến. Mưa lũ những ngày qua đã làm nhiều điểm sạt lở, đặc biệt khu vực miền núi; nhiều diện tích hoa màu, ao hồ nuôi trồng thuỷ sản của người dân bị ảnh hưởng. Một vấn đề nữa cũng được tỉnh Thanh Hoá quan tâm chỉ đạo đó là an toàn hồ đập, khi hoàn lưu nước ở thượng nguồn đổ về.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Sở NN-PTNT đề nghị các chủ hồ, đặc biệt hồ chứa lớn, căn cứ vào diễn biến mưa lũ trong thời gian tới, quan trắc, tính toán lưu lượng nước đến hồ để điều tiết, đảm bảo đúng quy trình; phối hợp với chính quyền địa phương thông báo nhân dân vùng hạ du chuẩn bị phòng tránh và sẵn sàng phương án với tình huống khẩn cấp".

Tại Hà Tĩnh: Mưa lũ đã làm 1 người chết, theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lũ gây thiệt hại đối với người dân, không chỉ đối với hoa màu mà làm chậm tiến độ thu hoạch vụ lúa hè thu. Vì vậy, hôm nay khi trời vừa hửng nắng, bà con nông dân Hà Tĩnh lại hối hả ra đồng thu hoạch số diện tích còn lại.

Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 35.000 ha lúa hè thu, đạt hơn 76% diện tích gieo cấy; một số huyện có diện tích thu hoạch cao như: Kỳ Anh, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân... Số diện còn lại hơn 9.000 ha. Tại các địa phương, nước đã cơ bản rút, không có diện tích bị ngập sâu. Bên cạnh đó, lúa giai đoạn này bước vào thời kỳ chín nên ít chịu ảnh hưởng của mưa lớn./.