Nghệ An hoàn thành hơn 3.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trong gần 6 tháng

Nguyễn Diệp Linh
Sáng 11/7, tại TP. Vinh, Ban Chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An họp đánh giá kết quả 6 tháng triển khai thực hiện Chương trình và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

 Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.

HƠN 636 TỶ ĐỒNG ỦNG HỘ CHƯƠNG TRÌNH LÀM NHÀ CHO HỘ NGHÈO

Theo rà soát bước đầu của các địa phương, toàn tỉnh hiện có 13.814 trường hợp có nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, trong đó số nhà lắp ghép 3.107 căn, số nhà cần xây mới 6.818 căn và số nhà cần sửa chữa 3.889 căn.

 Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo trình bày báo cáo. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo trình bày báo cáo. Ảnh: Thành Duy

Tính đến 30/6/2023, 148 tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ Chương trình với tổng số nhà đăng ký hỗ trợ là 12.549 căn, tương ứng 636,092 tỷ đồng; trong đó đăng ký thực hiện năm 2023 là 6.761 căn. Toàn tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ chương trình bằng nhiều hình thức với số tiền quy đổi là 262,641 tỷ đồng.

100% cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo và 100% thôn, xóm, khối, bản thành lập Tổ công tác với tổng số thành viên tham gia cấp tỉnh, huyện, xã và ở xóm là 34.847 thành viên.

 Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Với sự vào cuộc đồng bộ trên, đến hết tháng 6, tổng số nhà đã và đang làm là 3.076 căn, trong đó đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng là 2.925 căn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngành Công an đã hoàn thành xây dựng 2.820 căn nhà lắp ghép cho người dân nên con số hoàn thành thực tế cao hơn. Mục tiêu trong năm 2023 của tỉnh Nghệ An là làm mới 5.000 căn nhà và sửa chữa 500 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã tiến hành thảo luận, đánh giá lại kết quả thực hiện sau 6 tháng thực hiện chương trình, những vướng mắc, khó khăn đặt ra; tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó trao đổi, thống nhất các nhiệm vụ trong thời gian tới.

 Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đồng tình việc hỗ trợ thêm từ nguồn vận động của tỉnh đối với những hộ được thụ hưởng hỗ trợ xây dựng nhà để đảm bảo mỗi căn nhà được hỗ trợ 50 triệu đồng; đồng thời đồng chí cũng đề nghị tiến hành khảo sát đối với các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở để xem xét nguyện vọng cụ thể về mô hình nhà thực hiện

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là phát huy vai trò của các Tổ công tác ở xóm, bản trong tuyên truyền với người dân; tiến hành rà soát, phân loại, nắm chắc nguyện vọng gắn với cam kết với của hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

 Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh cần tiếp tục quan tâm, tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện chương trình; đồng thời cần xác định rõ phân loại, đăng ký nhu cầu làm nhà, đặc biệt thực hiện công tác tuyên truyền vận động, để các hộ nghèo khó khăn về nhà ở lựa chọn cách thực hiện phù hợp với điều kiện.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Về đề xuất tỉnh hỗ trợ địa phương nguồn lực làm móng nhà cho hộ nghèo, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần xem xét thực tế của địa phương, nếu chỗ nào thực sự khó khăn, không có điều kiện về nguồn lực thực sự thì tỉnh mới hỗ trợ; còn các địa phương cần chủ động thực hiện, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp tỉnh.

HOÀN THÀNH PHÊ DUYỆT DANH SÁCH ĐỐI TƯỢNG CẦN HỖ TRỢ TRƯỚC 30/7/2023

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực cơ quan Thường trực và Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Ban Chỉ đạo tỉnh ghi nhận, biểu dương những đóng góp hết sức trách nhiệm, tinh thần tiên phong, quyết liệt của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh đối với việc hưởng ứng thực hiện chương trình.

 Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh về vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh phát biểu kết luận. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh về vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh phát biểu kết luận. Ảnh: Thành Duy

Qua thực tiễn sau 6 tháng triển khai vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đúc kết 4 bài học kinh nghiệm là có chủ trương đúng, quyết liệt, phù hợp với lòng dân nên tạo được sức lan tỏa rất mạnh mẽ; thực hiện bài bản, công phu; khơi dậy và phát huy được sức dân, tạo thành một ngày hội, chiến dịch làm nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; chịu khó, tranh thủ đối đa để vận động sự ủng hộ, đóng góp của các tấm lòng hảo tâm từ trong và ngoài tỉnh, kể cả ở nước ngoài để giúp hộ nghèo.

Về nhiệm vụ thời gian tới, trên cơ sở phân tích những mặt được, mặt còn hạn chế thời gian qua, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa với người dân; trong đó nòng cốt là Báo Nghệ An, Đài PT-TH tỉnh thực hiện chuyên đề sâu về chương trình để tuyên truyền chủ trương, cách làm, phát huy sức dân, mô hình từ đó tạo sức lan tỏa.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình yêu cầu tập trung đôn đốc, chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc phê duyệt danh sách các đối tượng có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, hạn cuối là 30/7/2023.

 Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trao nhà cho hộ nghèo tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trao nhà cho hộ nghèo tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nghệ An được hỗ trợ 7.466 căn nhà cho người nghèo với mức hỗ trợ xây dựng mới 40 triệu đồng/căn xây dựng mới và phần tỉnh đối ứng 10% tương đương 4 triệu đồng.

Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng cho các hộ nghèo thụ hưởng ở các chương trình mục tiêu quốc gia trên và các hộ được hỗ trợ tại Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An do tỉnh thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với ý kiến Ban Chỉ đạo là sẽ trích từ nguồn quỹ của chương trình do tỉnh vận động để hỗ trợ phần còn lại (ngoài phần Trung ương và đối ứng của tỉnh theo quy định) đảm bảo các hộ được hỗ trợ làm nhà theo các chương trình mục tiêu quốc gia được hỗ trợ 50 triệu đồng/căn nhà xây dựng mới như các hộ thụ hưởng theo chương trình của tỉnh. Do đó, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị các địa phương tiến hành rà soát để ưu tiên thực hiện trước đối với các hộ được thụ hưởng từ các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng thống nhất ý kiến trong Ban Chỉ đạo là chưa nghiên cứu xem xét việc hỗ trợ kinh phí làm móng nhà trong giai đoạn này, mà đề nghị địa phương tập trung quan tâm kêu gọi, vận động, hỗ trợ làm móng nhà; gắn với tuyên truyền sâu với tổ công tác thôn, xóm, khối bản; tổng hợp danh sách hộ cần làm nhà mới gắn với nguyện vọng và cam kết của người dân về mô hình nhà thực hiện.

 Một ngôi nhà được làm theo mẫu lắp ghép do Công an tỉnh hỗ trợ hộ nghèo tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Một ngôi nhà được làm theo mẫu lắp ghép do Công an tỉnh hỗ trợ hộ nghèo tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Để quá trình vận động, hỗ trợ tránh trùng lặp, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Các doanh nghiệp tỉnh, cũng như các sở, ban, ngành cấp tỉnh không trực tiếp xuống triển khai từng nhà ở cơ sở mà chuyển nguồn vận động được đến cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh để điều phối, phân bổ, thực hiện.

Đồng chí Thái Thanh Quý cũng thống nhất kế hoạch tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện 2.820 căn nhà lắp ghép do ngành Công an vận động hỗ trợ cho 6 huyện biên giới trong tháng 7/2023; đồng thời đề nghị Công an tỉnh tiếp tục giúp làm toàn bộ nhà lắp ghép trong toàn tỉnh khi có hộ đăng ký.

Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất bổ sung đồng chí Nguyễn Đình Hùng, vừa nhận nhiệm vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy và đồng chí Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường vào Ban Chỉ đạo tỉnh; yêu cầu tiếp tục rà soát các đơn vị đăng ký ủng hộ làm nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở các năm 2023, 2024, 2025 để tiếp tục đôn đốc.

Thành Duy