Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10): Hành động sớm giúp phòng tránh, giảm nhẹ thảm họa

Phạm Hà Mi
Các thảm họa hoàn toàn có thể phòng tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại nếu triển khai các hành động sớm có sự phối hợp kịp thời từ chính phủ, các cộng đồng có nguy cơ cao, các cơ quan liên quan và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.   

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Nhằm phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Hành động sớm.
Kế hoạch Hành động sớm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được áp dụng với các loại hình thiên tai là nắng nóng, bão do gió, lũ lụt do bão. Trong đó, nắng nóng dựa vào ngưỡng kính hoạt bằng chỉ số nhiệt; bão do gió dựa vào ngưỡng kích hoạt cấp của gió và lũ lụt do bão dựa vào dựa vào ngưỡng kích hoạt của lượng mưa. Ngưỡng kích hoạt này được xây dựng dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với Viện khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cùng chính quyền các địa phương cùng cấp Hội Chữ thập đỏ. Kế hoạch đã hướng dẫn cách triển khai kịp thời và hiệu quả các hành động sớm dựa vào thông tin dự báo thời tiết hoặc khí hậu cụ thể, trong đó có dự báo các sự kiện thảm họa mà nếu thực sự xảy ra trong khi không có biện pháp hành động phù hợp thì khả năng gây ra khủng hoảng nhân đạo rất cao.

tan-hoang-2-1665646100.jpg
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của thiên tai

Kế hoạch Hành động sớm với nắng nóng đã được triển khai thí điểm tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng với 1.787 lượt người hưởng lợi, trong đó 95% người ghé thăm đánh giá tác động của các điểm này là tích cực hoặc rất tích cực và những người hưởng lợi đều nhất trí ủng hộ mở lại các hành động sớm: Lập điểm trú, tránh nắng cộng đồng (lều bạt và xe buýt lưu động); Truyền thông nâng cao nhận thức về cách ngăn ngừa, xử trí các tác động sức khoẻ do nắng nóng.
Mô hình Hành động sớm với nắng nóng giúp người lao động ngoài trời được nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc dưới tiết trời nắng nóng với nhiệt độ bên trong các điểm trú, tránh nắng mát hơn 10°C so với nhiệt độ bên ngoài, tạo không gian tránh nóng hiệu quả giữa thời tiết nắng nóng gay gắt. Thông qua đó, người lao động ngoài trời hiểu rõ tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi khi có nắng nóng. Có trên 40% số người hưởng lợi quay lại các điểm trú, tránh nắng và xe buýt tránh nắng trong các đợt nắng nóng.

ctd2-1665646066.jpg
Người lao động có giây phút nghỉ ngơi, uống nước mát tại điểm tránh, trú nắng nóng thành phố Hà Nội

Với những kết quả đạt được qua triển khai thí điểm, Kế hoạch Hành động sớm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đối với nắng nóng do Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hỗ trợ đang tiếp tục được triển khai mở rộng tại 29 phường thuộc 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng trong thời gian từ năm 2020-2025. Dự kiến nếu nắng nóng đạt đến ngưỡng kích hoạt, các hành động sớm sẽ được triển khai với 54 điểm trú, tránh nắng cộng đồng, 29 xe buýt tránh nắng, tổ chức truyền thông, hỗ trợ nước uống cho các khu trọ, tiếp cận trực tiếp 25.525 người hưởng lợi cùng với 2 chiến dịch truyền thông qua Facebook dự kiến sẽ gián tiếp tiếp cận được 213.000 người dân tại 3 thành phố.

tranh-nang-luu-dong-1665646148.jpg
Xe ôtô tránh nóng lưu động

Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện “Ngưỡng kích hoạt”, “Hành động sớm” và “Cơ chế tài chính” trong Kế hoạch Hành động sớm đối với bão do gió và Kế hoạch Hành động sớm lũ lụt do bão nhằm “Cảnh báo sớm để hành động sớm cho cộng đồng” giảm thiểu thiệt hại do thảm họa.

Nguyễn Hạnh