Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Sáng ngày 14/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị khởi động dự án “Nâng cao năng lực tổ chức và khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) và Hội Chữ thập đỏ Mỹ (AmRC).

Dự án này nằm trong khuôn khổ chương trình "Nâng cao năng lực tổ chức của khu vực Đông Á Thái Bình Dương", bao gồm 9 Hội quốc gia: Indonessia, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Papua New Guinea, Philipines, Đông Timo và Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Ricado Caivano - Trưởng đại diện Chữ thập đỏ Mỹ tại Việt Nam, cùng đại diện của Tổ chức USAID, đại diện các ban, đơn vị của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

IMG_0483
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh cho biết: Dự án “Nâng cao năng lực tổ chức và khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ là dự án tiếp cận nền tảng và cơ bản của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, năng lực tiếp cận nền tảng công nghệ thông tin và phát triển năng lực tổ chức với mục tiêu nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp, cứu trợ và hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai một cách hiệu quả hơn, góp phần giảm thiểu tổn thất trước và sau khi thảm họa xảy ra cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và 30 tỉnh, thành Hội Chữ thập đỏ trên cả nước.

Tiếp nối kết quả từ dự án “Nâng cao năng lực tổ chức và khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” giai đoạn 2017 – 2019, trong giai đoạn tới 2019 – 2020 với các hoạt động cơ bản như đánh giá Năng lực Tổ chức cấp tỉnh (BOCA) cho 30 tỉnh, thành Hội trọng điểm về thiên tai, rà soát lại tiến trình triển khai Năng lực Tổ chức cấp Trung ương (OCAC), Hỗ trợ xây dựng chiến lược cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giai đoạn (2020-2030); tăng cường năng lực truyền thông thương hiệu của Hội; Nâng cao năng lực của Hội về công tác viết báo cáo, tổng kết học hỏi kinh nghiệm bằng sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia của Hội Chữ thập đỏ Mỹ.

Ông Nguyễn Hải Anh tin tưởng, dự án sẽ tạo ra chuyển biến căn bản về chức năng, hệ thống, công tác quản lý của Hội; nâng cao năng lực cán bộ Hội các cấp; phát triển lực lượng đặc biệt là tại cơ quan Trung ương Hội và các tỉnh trọng điểm về thiên tai. Khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Đồng thời góp phần định hình và xây dựng chiến lược phát triển cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030. Tạo nền tảng cho sự thay đổi của toàn hệ thống Hội đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Hội, đưa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng phát triển.

IMG_0500
Ông Ricado Caivano - Trưởng đại diện Chữ thập đỏ Mỹ tại Việt Nam.

Theo ông Ricado Caivano - Trưởng đại diện Chữ thập đỏ Mỹ tại Việt Nam, dự án được triển khai trên nền tảng quan hệ giữa Hội Chữ thập đỏ Mỹ và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Dự án này nhằm mục đích hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng năng lực để Hội vững mạnh hơn, có khả năng ứng phó với thiện tai hiệu quả.

Ông Ricado Caivano hy vọng khi dự án kết thúc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có thể giữ được những cán bộ, tình nguyện viên chất lượng; có thể vận động nguồn lực tốt hơn và ứng phó với thiên tai hiệu quả và bền vững hơn.

Trong nhiều năm qua, IFRC đã xây dựng các bộ công cụ đánh giá và chứng nhận năng lực để hỗ trợ các Hội quốc gia thành viên, góp phần làm tăng tính hiệu quả và bền vững trong quản lý năng lực tổ chức, cũng như năng lực ứng phó ở cấp trung ương và địa phương, bao gồm: Đánh giá và Chứng nhận Năng lực Tổ chức cấp Trung ương (OCAC) là một công cụ và chứng nhận giúp các Hội Quốc gia đánh giá các nhu cầu phát triển và xác định tính bền vững của tổ chức; Đánh giá và Chứng nhận Năng lực Tổ chức cấp tỉnh (BOCA) đã được phát triển như một công cụ đánh giá, cho phép các tỉnh/thành hội nâng cao hiệu quả, và minh bạch, trở thành đối tác tin cậy của chính quyền địa phương và các bên liên quan trong công tác nhân đạo và quản lý thiên tai; Dự phòng để ứng phó hiệu quả (PER) là cách tiếp cận liên tục và mang tính chu kỳ trong việc đánh giá, đo lường và phân tích có hệ thống các điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống ứng phó của các Hội quốc gia. Quá trình này đòi hỏi các Hội Quốc gia cần phải xây dựng lộ trình trong việc tăng cường năng lực ứng phó với các tình trạng khẩn cấp. Cách tiếp cận này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm đúc kết qua nhiều thập kỷ từ Phong trào Chữ thập đỏ/ Trăng lưỡi liềm đỏ cũng như dựa trên bài học rút ra từ các sáng kiến ​​như Hội Quốc gia dự phòng tốt (WPNS), Tăng cường năng lực ứng phó thiên tai (DRCE), Cơ chế dự phòng và ứng phó khẩn cấp với thiên tai quốc gia của IFRC (NDPRM) và Khung phát triển của các Hội quốc gia.

IMG-9672
Toàn cảnh hội nghị.

Đối với Chương trình “Nâng cao năng lực tổ chức và khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ Mỹ sẽ được triển khai 20 tháng (từ ngày 15/01/2019 – 31/08/2020) với tổng kinh phí là 200.100 USD. Mục tiêu chính của dự án là nâng cao năng lực tổ chức, khả năng ứng phó khẩn cấp, cứu trợ và hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai một cách hiệu quả hơn cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và 30 tỉnh, thành Hội trên cả nước. Dự án ước tính sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 1.500 cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, qua đó góp phần gián tiếp tác động tích cực đến khoảng 4,7 triệu người.

Hồng Loan