Hướng dẫn nêu rõ mục đích là tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền; các ban, ngành, đoàn thể; của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về quan điểm chỉ đạo của thành phố trong việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Huy động sự vào cuộc đồng bộ, chủ động, tích cực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và của hệ thống chính trị thành phố, sự tham gia của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trong công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn thành phố Hà Nội để phong trào thi đua thực sự trở thành sức mạnh, động lực to lớn, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, xây dựng tiêu chí điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt trong các lĩnh vực và các phong trào thi đua yêu nước của thành phố, của các cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời phát hiện, khen thưởng và đề xuất khen thưởng các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, người tốt - việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở đơn vị, địa phương.
Kế hoạch yêu cầu công tác tuyên truyền cần được triển khai sâu rộng với hình thức linh hoạt, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; gắn với tuyên truyền thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác thi đua - khen thưởng. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, bản tin thành phố, các phương tiện truyền thông, thông tin cơ sở, mạng xã hội; trách nhiệm của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố trong việc thông tin, tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò và hiệu quả thiết thực của việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, người tốt - việc tốt, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng cũng như đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.
Trong đó, cấp thành phố phát động và tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt. Khen thưởng các điển hình tiên tiến tiêu biểu, trong đó khen thưởng từ 700 cá nhân người tốt - việc tốt tiêu biểu trở lên; lựa chọn, giới thiệu ít nhất 50 gương điển hình tiên tiến tiêu biểu gửi Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương và các cơ quan báo chí trung ương, thành phố để phục vụ công tác tuyên truyền; lựa chọn các cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội Thủ đô để tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú”.
Biên tập, xuất bản sách “Những bông hoa đẹp” thành phố Hà Nội (phấn đấu đến năm 2025 xuất bản sách điện tử “Những bông hoa đẹp”). Tổ chức ít nhất một hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt trên địa bàn thành phố; phối hợp với các cơ quan truyền thông trung ương, thành phố tổ chức được ít nhất 10 chương trình giao lưu, tọa đàm với các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của thành phố.