Nghiên cứu của Đại học Leeds cho thấy nạn phá rừng diện rộng gây gián đoạn vòng tuần hoàn của nước bởi hơi nước thoát qua lá cây vào không khí. Điều này khiến lượng mưa giảm đáng kể, đặc biệt giảm mạnh vào mùa mưa.
Theo nghiên cứu, vùng lưu vực sông Congo đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng nhất khi được dự báo sẽ ghi nhận tốc độ phá rừng nhanh trong những năm tới và lượng mưa tại đây khả năng sẽ giảm tới 10% vào cuối thế kỷ này.
Mặc dù diện tích đất nông nghiệp mở rộng, song các nhà nghiên cứu cho rằng sản lượng cây trồng cùng với diện tích rừng có thể giảm, cũng như tần suất xảy ra hạn hán và cháy rừng cũng tăng lên. Do đó, năng suất cây trồng tại các khu rừng nhiệt đới sẽ giảm.
Để thực hiện nghiên cứu, ông Callum Smith, tác giả chính của nghiên cứu, cùng với các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu thu thập được trên khắp các khu rừng nhiệt đới của Đông Nam Á, Congo và rừng Amazon từ năm 2003 – 2017. Nghiên cứu được tiến hành nhằm xác nhận kết quả dự báo trong những mô hình máy tính về biến đổi khí hậu rằng lượng mưa sẽ giảm trên khắp các vùng khí hậu nhiệt đới khi nhiều diện tích rừng bị chặt phá.
Tác giả Smith lưu ý phát hiện trên làm tăng thêm mối lo ngại rằng thế giới có thể tiến tới điểm mà các khu rừng nhiệt đới không thể tự duy trì sự sống. Ông kêu gọi các nước tăng cường cam kết bảo tồn rừng. Nhóm nhà nghiên cứu cũng đề xuất giải pháp cho vấn đề là phục hồi những cánh rừng rộng lớn đã bị tàn phá.
Rừng nhiệt đới có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Với diện tích hơn 7 triệu km2 trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Surinam và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp, Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giới khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu cùng với nạn phá rừng bữa bãi có nguy cơ khiến “lá phổi xanh” của Trái Đất có nguy cơ trở thành thảm thực vật xavan khô hạn.