Mới đây, cơn mưa lớn xảy ra ngày 20/10, lượng mưa đo được trên 300ml khiến hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập sâu. Những tuyến đường, ngõ hẻm, khu dân cư xưa nay chưa từng ngập cũng thành sông.
"Có xe chạy được còn mình không dám chạy, nhiều xe bị tắt máy phải dẫn bộ. Từ khi về đây ở tới giờ chỉ bị ngập có 1 lần nhưng 1-2h sau là nước rút, không ngập sâu như bữa nay. Không phải chỉ ở khu vực này, ở bên kia kênh lên đến đầu đường Lưu Chí Hiếu (phường 10), nước tràn qua bờ kênh luôn".
"Tôi ở đây 27 năm mới chứng kiến lần ngập to thế này. Nước không chảy ra được, hồi xưa nước thoát nhanh lắm!".
"Dân qua khu vực này là bị ngập lụt, phương tiện chết máy, các cháu học sinh đi học bị ngã hoài, ướt cả sách vở. Nhiều gia đình hiện nay nước không thoát được, hầm ga, nhà vệ sinh bị ngập, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân".
Đó là bức xúc của những hộ dân sinh sống ở đường Bình Giã, Lưu Chí Hiếu thuộc phường 10, lưu vực Võ Thị Sáu – hồ Á Châu, phường 2 và đường 30/4, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Quang Định thuộc phường Thắng Nhất TP Vũng Tàu… khi nói đến tình trạng ngập lụt kéo dài ở đây, gây đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, nhất là ảnh hưởng việc học tập của các cháu học sinh.
Người dân ở đường Bình Giã và đường Lưu Chí Hiếu cho biết, 30 năm qua, khoảng 1.500 hộ ở nhiều địa bàn tổ dân cư thuộc phường 10, TP Vũng Tàu hễ trời mưa là nước từ ngoài đường tràn vào trong nhà. Nhưng trước đây chỉ 1-2 ngày là nước rút, chưa bao giờ ngập nặng như những ngày vừa qua, ảnh hưởng nhiều đến đời sống bà con ở đây. Nhiều bà con thắc mắc: nước không thoát được, không biết do đâu?
Cũng theo các hộ dân khu vực ngập nước, những năm 2020 và 2022 đã có 4 lần ngập sâu và kéo dài nhiều ngày vào tháng 7, tháng 11/2020, tháng 5/2022 và đỉnh điểm là trận ngập "lịch sử" vào ngày 20/10/2022.
Các hồ, kênh bị thu hẹp
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, năm 2006 tỉnh đã có quy hoạch hệ thống thoát nước tại TP Vũng Tàu. Theo đó, nước từ hồ điều hoà, theo kênh dẫn dòng thoát theo hướng từ phía Nam ra phía Bắc, cửa xả tiếp nhận là cầu Rạch Bà và hạ lưu Cửa Lấp.
Theo quy hoạch, đến 2020 TP Vũng Tàu có 7 hồ điều hoà với diện tích 219 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Tp Vũng Tàu chỉ 4 có hồ điều hoà thực hiện điều tiết nước (hồ Võ Thị Sáu, hồ Á Châu 1 -2, hồ Bàu Sen, hồ Bàu Trũng và hồ Rạch Bà) với diện tích hơn 32,68 ha, chiếm 15% so với quy hoạch.
Đại diện Công ty Khoa học Công nghệ Việt Nam - Busadco (trụ sở TP Vũng Tàu) - đơn vị thực hiện thoát nước cho TP. Vũng Tàu cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng kéo dài tại nhiều điểm dân cư, trong đó có nguyên nhân khách quan là do lượng mưa quá lớn (có thời điểm đo được hơn 300ml) kết hợp với triều cường dâng cao.
Theo ông Nguyễn Sỹ Quế, Phó giám đốc Ban kinh tế kỹ thuật Công ty Cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam, hiện nay việc đầu tư cho hồ điều hoà tại Vũng Tàu chưa bắt kịp tốc độ đô thị hoá, cùng với việc xây dựng các tuyến cống ngang đường của kênh chính đã hạn chế khả năng thoát nước. Bên cạnh đó, thành phố có quá nhiều công trình nhà ở lấn chiếm hành lang kênh chính, khiến cho dòng chảy bị thu hẹp và một số hồ đã giao lại cho tư nhân quản lý, do đó các cống đã bị bít lại: "Những năm gần đây diễn ra tình trạng lấn chiếm kênh mương làm thu hẹp dòng chảy. Những ao hồ đã bị lấp đi để xây dựng, do đó phần chứa nước đó gần như không còn. Hiện hồ Á Châu hiện nay do tư nhân quản lý nên họ đã bịt hết tất cả lối thoát của hồ, đó là nút thắt gây ngập".
UBND TP. Vũng Tàu cho biết, hiện chính quyền thành phố đang phối hợp với Sở Xây dựng, đơn vị thoát nước (Busadco) thực hiện nạo vét, khơi thông tuyến kênh thoát nước chính của thành phố.
Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, đối với các công trình xây dựng lấn chiếm hành lang kênh chính, thành phố đã giao các phường rà soát, lập danh sách và tiến hành xử lý dứt điểm để thu hồi diện tích lấn chiếm.
" Lấn chiếm mương nước là lấn chiếm đất công, phải xử lý công trình vi phạm và thu hồi lại diện tích lấn chiếm, đồng thời khơi thông dòng kênh. Tỉnh đã chỉ đạo các phường nằm dọc 2 bên bờ kênh như: phường Rạch Dừa, Nguyễn An Ninh, phường 10, 11, phường 12… rà soát lại quỹ đất, chỗ nào bị lấn chiếm thì xử lý"- ô Thuấn nói.
Hiện việc thoát nước tập trung ở TP. Vũng Tàu cơ bản theo nguyên tắc: nước mưa chảy xuống mương thoát nước (tuyến thông dẫn) dẫn đến hồ điều hòa, chảy về cống ngăn tiêu, đê bao và đổ ra biển. Trong khi đó, các cửa xả cũ hướng ra biển không được xả để bảo vệ môi trường. Do đó, để hạ mực nước tại các hồ, hạn chế ngập úng khi có mưa lớn tại TP Vũng Tàu, về dâu dài tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên thực hiện các dự án xây dựng hồ điều hoà theo quy hoạch và cải tạo hệ thống thống kênh thoát nước chính.
Theo VOV