Một thương binh có công chưa được hưởng chính sách thỏa đáng (!?)

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Nhiều năm nay, ông Phạm Văn Đỏ (SN 1947), hiện trú tại xã Xuân An, thị xã An Khê (Gia Lai) đã nhiều lần đề nghị xem xét việc bản thân chưa được hưởng chính sách người có công thỏa đáng, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Vào năm 1962, ông Phạm Văn Đỏ tham gia cách mạng, công tác tại khu 8 (huyện An Khê lúc bấy giờ). Vào năm 1967, trong lúc đi B3 (qua Campuchia), ông Đỏ bị thương nặng do trúng đạn quân thù trên Quốc lộ 14. Hai năm sau (năm 1969), trong một lần đi làm nhiệm vụ tại chiến trường An Khê (xã Cửu An ngày nay), ông Đỏ lọt vào ổ phục kích của địch và bị thương nặng lần II.

1
Ông Phạm Văn Đỏ- người mang trên mình rất nhiều thương tích do quân thù gây ra.

Sau khi điều trị lành vết thương, ông Đỏ tiếp tục công tác tại UBND huyện An Khê. Ngày 12/05/1977, ông được Hội đồng Giám định y khoa (HĐGĐYK) tỉnh Gia Lai - Kon Tum xác định tỷ lệ thương tật là 23% vĩnh viễn (hạng 4/4). Ngày 23/09/1986, HĐGĐYK tỉnh khám giám định lần II, kết luận tỷ lệ thương tật của ông Đỏ là 41% vĩnh viễn (hạng 3/4).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định điều chỉnh cho ông Đỏ được hưởng trợ cấp từ ngày 01/09/1986. Đến năm 1987, do tình hình sức khỏe không đảm bảo, ông Đỏ làm đơn và được tổ chức cho nghỉ chế độ mất sức lao động.

2
Giấy chứng nhận ông Đỏ được hưởng chính sách như thương binh.

Theo quy định tại thời điểm bấy giờ, một người vừa là thương binh đồng thời là người hưởng chế độ mất sức lao động chỉ được hưởng một khoản trợ cấp cao hơn (thương binh hoặc mất sức lao động). Ông Đỏ đã chọn hưởng chế độ mất sức lao động nên thôi hưởng trợ cấp người hưởng chính sách như thương binh.

Nói về hoàn cảnh của đồng chí, đồng đội, ông Lê Thanh Hiển, nguyên Phó Bí thư thị ủy An Khê cho biết: 2 lần anh Đỏ bị thương nặng, tôi đều là người trực tiếp chăm sóc nên biết trên thân thể anh ấy không còn chỗ nào lành lặn. Sau khi xin về chế độ, anh Đỏ vì bị thương tích cũ hành hạ, đau ốm liên miên, tinh thần kém minh mẫn nên cũng chẳng làm được gì để phụ vợ con. Đến nay, dù Nhà nước đã nhiều lần nâng lương, song anh Đỏ cũng chỉ nhận được vẻn vẹn 1,9 triệu đồng theo chế độ mất sức. Hiện, hoàn cảnh anh Đỏ rất khó khăn, con cái thì nghèo nên chẳng phụ giúp được gì.

Nhiều lần đến thăm, thấy hoàn cảnh của người đồng đội oanh liệt ngày nào mà rớt nước mắt. Tôi nghe nói Nhà nước đã thay đổi chính sách, trường hợp như anh Đỏ có thể được hưởng cả hai chế độ (mất sức và chế độ như thương binh) nên làm kiến nghị để cơ quan chức năng quan tâm giải quyết” - lời đề xuất của nguyên lãnh đạo thị xã An Khê.

Qua nghiên cứu hồ sơ, ông Đỏ được UBND huyện An Khê (cũ) xác nhận thời gian công tác quy đổi là 23 năm 8 tháng, thời gian công tác thực tế là hơn 18 năm (từ năm 1962 đến năm 1980); Biên bản giám định khả năng lao động số 320 ngày 16/09/1986 đề rằng, ông Đỏ bị mất 61% sức lao động, trong đó bao gồm cả tỷ lệ % thương binh. Do đó, căn cứ theo quy định tại điều 23, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/05/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì ông Đỏ không được hưởng trợ cấp cùng lúc cả hai chế độ.

Một cán bộ Phòng Người có công Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Gia Lai nói: “Những trường hợp như ông Đỏ hiện không còn nhiều, đa phần đều rất nghèo khổ, lại mang di chứng chiến tranh nên hoàn cảnh rất đáng thương. Tại nhiều cuộc họp, hội nghị của ngành, chúng tôi cũng đã nhiều lần nêu vấn đề mở thêm cơ chế để những người có công dạng này được hưởng thêm chế độ, chính sách. Tuy nhiên, đến giờ này, Bộ vẫn chưa điều chỉnh nên chúng tôi buộc phải áp dụng theo hướng dẫn cũ, Thông tư số 05”.

Qua những gì đã nêu, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần xem xét, điều chỉnh để những người có công với Tổ quốc có thêm chút niềm vui trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại!

Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định, đối tượng hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời là thương binh có một trong các giấy tờ sau được hưởng cả trợ cấp thương binh và mất sức lao động: Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động có xác nhận thời gian công tác thực tế từ 20 năm trở lên; Biên bản giám định tách riêng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật.                                                                                                                                  

Tùy Phong