Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển

Nguyễn Hồng Hạnh
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một lực lượng chuyên trách về thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển đảo Việt Nam, những năm qua, lực lượng cảnh sát biển đã có nhiều đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh hàng hải trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt trong đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển.

Từ năm 2006, Việt Nam đã ký kết và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam là cơ quan thường trực, đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia thực hiện Hiệp định. Đồng thời là cơ quan đầu mối trong việc hợp tác với Trung tâm Chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Hiệp định, có nhiệm vụ thu thập, phân tích và đánh giá thông tin do các bên ký kết chuyển tới kể cả các thông tin liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền; quản lý và duy trì việc lưu chuyển nhanh chóng các thông tin liên quan đến các vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền giữa các bên ký kết; cung cấp các cảnh báo cho hoạt động vận tải biển, tàu đánh cá Việt Nam và các bên ký kết nếu có cơ sở pháp lý về các khu vực có nguy cơ xảy ra cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.

image001-1662522234.jpg
Cảnh sát biển khống chế bọn cướp ngay khi đưa lên tàu CSB 4034 (Nguồn: canhsatbien.vn)

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, những năm qua đã có một số tàu vận tải biển của Việt Nam bị cướp biển tấn công; gia tăng số vụ xô xát trên vùng biển vịnh Thái Lan giữa ngư dân Việt Nam với tàu Thái Lan và Campuchia.
Dự báo, trong một vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, sẽ gia tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới. Vùng biển Việt Nam sẽ trở thành cầu nối quan trọng để phát triển kinh tế trong nước và giao thông thương mại quốc tế.
Mối lo ngại về cướp biển, cướp có vũ trang trên vùng biển Việt Nam hoặc do người Việt Nam chủ mưu luôn tiềm ẩn, khó đoán định. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ của mình, việc tổ chức luyện tập, diễn tập phòng chống cướp biển, cướp có vũ trang là một trong các vấn đề cần thiết và cấp bách hàng đầu trong công tác Cảnh sát biển.
Nhận thức rõ được vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn chủ động, tích cực, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, liên tục nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền trên vùng biển Việt Nam nói riêng, vùng biển liên quan nói chung.
Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, hoạt động của bọn cướp trên khu vực biển châu Á, nhất là ở những khu vực biển trọng điểm, tuyến hàng hải có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tình hình trên, đã và đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định về an ninh, trật tự, an toàn trên biển trong khu vực. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, ở khu vực châu Á đã xảy ra 95 vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Trong đó, bọn cướp đã thực hiện thành công 83 vụ. Những ghi nhận gần đây cho thấy, bọn cướp không chỉ tấn công tàu, nhằm cướp hàng hóa, mà chúng còn tổ chức bắt cóc thuyền viên để đòi tiền chuộc.
Dự báo trong thời gian tới, hoạt động cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á vẫn diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp biển sẽ tinh vi và liều lĩnh hơn. Vùng biển trọng điểm sẽ không có nhiều thay đổi so với trước, tập trung chủ yếu ở vùng biển Đông Nam Á, đặc biệt là các khu vực: Quần đảo thuộc Indonesia; eo biển Malacca; khu vực ngoài khơi thuộc Malaysia; khu vực biển thuộc miền Nam Phillippines. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á nói chung, vùng biển Việt Nam nói riêng.
Năm 2018 Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời, quy định rõ về nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong hoạt động đấu tranh chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam như sau:
Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiê cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trên biển.
Là thành viên có trách nhiệm trong thực thi Hiệp định hợp tác về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực châu Á; Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời là cơ sở pháp lý giúp lực lưởng Cảnh sát biển Việt Nam giữ gìn an ninh, trật tự an toàn trên vùng biển của Việt Nam nói riêng, vùng biển khu vực châu Á nói chung./.

Phương Linh