Lớp học tình thương của chàng trai 9X

Nguyễn Diệp Linh
Sau 15 năm mang tên 'Lớp học tình thương Ngọc Việt', do anh Huỳnh Quang Khải (sinh năm 1993) mở ra, giờ đây đã có tên mới là 'Điểm học phổ cập phường Hiệp Thành' (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh). Lớp học đã giúp xóa mù chữ miễn phí cho rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Người thầy nghiệp dư với tình thương bao la

Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”. Vẳng bên tai tôi là tiếng đọc bài lanh lảnh của hơn 40 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong căn nhà rộng khoảng 20m2 tại số 30D đường Hiệp Thành 23, phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Lần đầu đến lớp, tôi đã bị thu hút bởi một em học sinh với vóc dáng nhỏ nhắn, mắt đeo cặp kính, ngồi ngay bàn đầu đang nắn nót viết bài, em viết đi viết lại nhiều lần mới hoàn thành con chữ. Hỏi ra mới biết em có cái tên rất đẹp là Ngọc Trân, năm nay 11 tuổi nhưng đang học kiến thức lớp 3, bởi cha mẹ em đều là những người lao động nghèo không có đủ điều kiện cho em đến trường.

 Anh Khải hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: DIỆU HUYỀN Anh Khải hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: DIỆU HUYỀN

Đằng sau cặp kính em đeo là đôi mắt với nhiều chứng bệnh. Thương em không có tiền khám, điều trị mắt, anh Khải đã tham gia cuộc thi “Hát cho ngày mai” và giành được phần thưởng 15 triệu đồng để đưa Ngọc Trân đi khám và điều trị mắt. Anh Khải luôn quan tâm lo lắng cho những cô, cậu học trò của mình từ bữa ăn đến sức khỏe của các em. Hiện tại anh đã tạo ra căn tin “0 đồng” ngay trong lớp học để giúp các em học sinh có những bữa ăn no.

Nhìn các em nhỏ say sưa làm bài tập, anh Khải bộc bạch, công việc chính của anh là hướng dẫn viên du lịch. Trước đây, năm 2008 thấy trong khu phố nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, mới ít tuổi mà đã phải đi nhặt ve chai, bán vé số, rửa bát thuê,… mất đi cơ hội được học hành, chính vì vậy anh đã mở ra lớp học miễn phí cho các em.

Từ một người không có chuyên môn về sư phạm, anh mày mò từng chút, nhìn bàn làm việc của anh đủ biết, sự học và dạy của anh nó nhọc nhằn đến nhường nào. Tủ sách của anh có đủ các sách giáo khoa và sách tham khảo từ lớp 1 đến lớp 5. Vì mỗi học sinh có trình độ khác nhau nên anh đã phải soạn giáo án riêng cho từng bạn. Ấy vậy mà nhiều năm qua anh chưa một lần nghĩ đến bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục hành trình đem con chữ đến với các em có hoàn cảnh khó khăn.

 Căn tin “0 đồng” thầy Khải dành tặng các em học sinh. Ảnh: DIỆU HUYỀN

Căn tin “0 đồng” thầy Khải dành tặng các em học sinh. Ảnh: DIỆU HUYỀN

Ban đầu anh sử dụng căn gác nhỏ nhà mình dạy khoảng 10 em. Rồi sau đó các em lại dẫn những bạn hoàn cảnh đáng thương như mình đến lớp. Căn gác ngày càng đông không đủ chỗ. Anh Khải đã trải bạt, đốt nến cho các em ngồi dưới đất. Sau này anh sắm thêm được mấy cái bàn nhỏ cho các em ngồi và kéo điện về để các em học cho sáng. Nhưng lớp học không tường, không mái, đến mùa mưa là không thể học được. Với sự hỗ trợ của những người bạn thân và khách đi tour của anh, lớp học cũng có thêm chiếc mái che mưa, che nắng và một ít bàn ghế cho các bé ngồi.

Người ta thấy anh đi tour từ sáng sớm, chiều tối về lại đứng lớp giảng bài. Nhiều bữa về đến nhà chẳng kịp ăn cơm, hàng xóm có người mang cho bát canh, có người mang cho mẩu bánh, ăn qua loa rồi anh lại vội vào lớp học.

“Trước đây, khi Khải chưa lấy vợ, nhiều lần đi tour về muộn sát giờ dạy học cho các bé, chẳng kịp nấu nướng gì. Tôi thương lắm, những lần như vậy tôi lại mang đồ ăn nhà mình qua để Khải ăn tạm, có sức giảng bài cho các bé”, cô Hạnh, hàng xóm nhà anh Khải tâm sự.

 Thời gian đầu lớp học tình thương được hình thành cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Ảnh nhân vật cung cấp

Thời gian đầu lớp học tình thương được hình thành cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Ảnh nhân vật cung cấp

Chỉ từ vài em nhỏ lúc ban đầu, ấy vậy mà số lượng học sinh tăng dần theo thời gian, lúc đông nhất lên đến 110 em. Biết chuyện, nhiều bạn bè trên facebook của anh đã chia sẻ, quyên góp được số tiền 60 triệu đồng. Để duy trì và sắm sửa mua trang thiết bị cho lớp học, con số lên đến hơn 100 triệu đồng. Anh bàn với vợ, bên nội, bên ngoại đã cho những món quà như nhẫn cưới, dây chuyền và vòng tay... Chị Thanh Hà-vợ của anh cũng đồng ý bán số vàng cưới là của hồi môn để hỗ trợ lớp học. Anh Khải xây dựng gia đình năm 2018, những ngày anh bận đi công tác thì vợ là người đứng lớp thay anh.

Người giúp công, người góp của, cuối cùng vợ chồng anh Khải cũng dần hoàn thiện lớp học khá khang trang và đầy đủ với các trang thiết bị dạy học. Anh Khải bày tỏ: “Tới tận bây giờ tôi không thể ngờ lớp học của mình lại khang trang đến vậy”.

Ngày nay lớp học đã dần hoàn thiện và khang trang hơn. Ảnh: DIỆU HUYỀN

Ngày nay lớp học đã dần hoàn thiện và khang trang hơn. Ảnh: DIỆU HUYỀN

Mơ ước một cuộc đời tươi sáng

Lớp học của anh Khải diễn ra từ 18 giờ 30 đến 21 giờ, thứ 2-7 hằng tuần. Các em theo học tại đây trong độ tuổi 8 đến 19 tuổi được dạy Toán và Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5. Bên cạnh đó các bé được học những bài học về cuộc sống. Thầy giáo chia sẻ những vấp ngã mà mình đã trải qua, để sau này khi các em bước vào đời sẽ không gặp phải những vấp ngã ấy. Hoàn cảnh của các em học sinh chủ yếu là trẻ mồ côi, bên cạnh đó có một số em chậm phát triển và không có hồ sơ nhập học. Đến nay, sau 15 năm anh Khải đã giúp đỡ hàng trăm em nhỏ được biết đến con chữ.

Nhận thấy môn Tiếng Anh rất quan trọng trong cuộc sống hiện nay, chị Nguyễn Thị Hoàng Thy – đối tác trong ngành du lịch của anh Khải đã tham gia hỗ trợ lớp học giảng dạy môn Tiếng Anh vào tối thứ 4 hằng tuần từ tháng 10-2022. Chị Thy chia sẻ: “Khi thấy Khải mở lớp dạy cho các bé có hoàn cảnh khó khăn mình rất cảm phục tấm lòng của Khải, mình cũng muốn góp sức để cho lớp học phát triển hơn”.

 Tích xu đổi quà tạo thêm động lực cho các em cố gắng học tập. Ảnh nhân vật cung cấp

Tích xu đổi quà tạo thêm động lực cho các em cố gắng học tập. Ảnh nhân vật cung cấp

Để tạo động lực cho các em học sinh phấn đấu trong học tập thầy Khải còn phát thưởng bằng những đồng xu cho các em chăm ngoan, học giỏi đổi quà. Phần quà có thể là chai nước ngọt, hộp bánh, thùng mì hay bao gạo tùy vào số xu các em tích được, càng nhiều xu phần thưởng càng lớn. Với hoàn cảnh gia đình nghèo khó đa phần các em học sinh đều đổi gạo.

Em Lê Trần Hoàng Triệu Vy (12 tuổi) đang theo học lớp 3 chia sẻ: “Gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, trước khi đi học ở đây em không được học ở đâu cả. Em luôn coi lớp học như là ngồi nhà thứ 2 của mình vậy. Em mong muốn mình có thật nhiều kiến thức để sau này có một công việc tốt, không phải vất vả làm thuê như cha mẹ em hiện nay”.

Chị Kpă Yot – phụ huynh của bé Kpă Changs xúc động bày tỏ: “Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn thầy Khải, tôi và chồng đều đi làm thuê cho người ta chẳng được bao nhiêu, không có tiền cho con đi học. Gặp được thầy Khải là một điều may mắn, con của tôi đã được biết đến con chữ và có thêm nhiều bạn bè”.

Bên cạnh đó, hằng tháng cứ vào ngày mồng một âm, ngày rằm vợ chồng anh Khải và các em học sinh lại cùng nhau làm những chiếc bánh mì, những suất cơm miễn phí gửi tới người dân có hoàn cảnh khó khăn trong phường. Sau những lần như vậy nhiều em nhỏ thủ thỉ với anh Khải: “Thầy ơi, con thấy mọi người được no bụng con vui lắm. Khi nào đi phát bánh mì hay làm cơm thầy nhớ cho con đi với nha”. Đối với anh Khải bên cạnh việc dạy chữ cho các em nhỏ còn phải dạy các em nhân cách, đạo đức làm người.

 Các em học sinh làm bánh mì gửi tặng những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh nhân vật cung cấp

Các em học sinh làm bánh mì gửi tặng những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh nhân vật cung cấp

Ngày nắng cũng như ngày mưa, đều đặn 6 buổi/tuần, thầy và trò tạiĐiểm học phổ cập phường Hiệp Thành” cứ cần mẫn để tiếp tục chinh phục dần những kiến thức về tự nhiên và xã hội, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Phía sau, chị Thanh Hà – người bạn đời của anh Khải đang dõi theo mỉm cười hạnh phúc. Họ cùng nhau đồng hành đem lại kiến thức cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Chẳng thế mà trong lớp học, vị trí thu hút ánh nhìn của nhiều người nhất là dòng chữ “Sống là cho đi”.

DIỆU HUYỀN