Hơn 3 tháng nay, đều đặn vào lúc 18 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, các lớp học xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku lại vang vọng tiếng đánh vần "ê, a".
Lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng, thành phố Pleiku) hiện có hơn 30 người theo học, tất cả đều là đồng bào Jrai ở làng Ia Lang. Điều đặc biệt ở lớp học này, các học viên theo học hầu hết đã lớn tuổi nên rất mong biết đọc, biết viết. Đó là lý do họ không ngần ngại đến lớp mỗi tối, kể cả việc mang con cùng đến lớp học.
Dù đã 33 tuổi nhưng với chị H’Thiếu ở làng Ia Lang, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, đây là lần đầu tiên chị được đến lớp học chữ. Trong tâm trạng háo hức chị H’Thiếu kể, trước đây, gia đình chị nghèo khó, bố mất sớm, chị không thể đi học. Vừa qua được thôn trưởng, cán bộ phường và nhà trường đến động viên, chị quyết tâm đi học để biết chữ.
Còn bà H’Lung (57 tuổi) cùng trú tại làng Ia Lang, phường Chi Lăng, chia sẻ, không biết chữ nên bà không đọc được bất cứ loại sách báo nào. Khổ nhất là khi đi làm giấy tờ tùy thân, các loại giấy tờ quan trọng, bà không biết ký mà phải điểm chỉ. Được đi học, biết chữ, tự viết được tên mình, bà vui lắm.
Theo cô Dương Thị Kiếu, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền, người được phân công trực tiếp giảng dạy lớp học này, qua điều tra sơ bộ, làng Ia Lang có khoảng 100 người không biết chữ. Khi được vận động đến lớp học xoá mù chữ, nhiều người còn e dè, một phần xấu hổ do đã lớn tuổi, một phần vì sợ không tiếp thu được. Tuy nhiên, sau khi đến lớp một thời gian, mọi người dần trở nên thích thú và rủ nhau đến lớp ngày một đông hơn. Lớp học chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số đã lớn tuổi nên việc làm quen với mặt chữ ban đầu rất khó khăn. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực, nhiệt tình học tập của học viên, rất cần sự kiên nhẫn động viên, sẻ chia đến từ giáo viên.
Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, thành phố Pleiku) cũng là một trong 7 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố được chọn để thực hiện dạy xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Các học viên theo học tại đây, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, công việc bận rộn nhưng vẫn luôn đến lớp đầy đủ.
Thầy Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, thành phố Pleiku) cho hay, trước đó, nhà trường đã phối hợp với UBND xã và các thôn, làng rà soát số lượng người dân tộc thiểu số mù chữ và tái mù chữ độ tuổi từ 15 - 60 để vận động bà con tham gia học tập. Lúc đầu lớp học chỉ vận động được 17 học viên nhưng đến thời điểm này đã có 23 học viên của 2 làng Mơ Nú và Bông Phung theo học. Nhà trường đang tổ chức giảng dạy giai đoạn 1 gồm 3 kỳ, tương ứng với các lớp từ 1 - 3. Lớp học được nhà trường bố trí đầy đủ ánh sáng, sách vở và thầy cô đứng lớp tương ứng với mỗi cấp học theo chương trình giảng dạy.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025), tỉnh Gia Lai đã tổ chức được 735 lớp học xoá mù chữ cho gần 23.500 người của 176 xã. Riêng năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phân khai kinh phí gần 13 tỷ đồng cho các địa phương để tổ chức 217 lớp học cho hơn 6.500 học viên.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, nhiệm vụ xóa mù chữ là cơ sở quan trọng để củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học, giáo dục Trung học Cơ sở và thúc đẩy phong trào "Xây dựng xã hội học tập" trên địa bàn tỉnh, giúp thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng và địa phương.