Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới ở các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam” thực hiện tại Sơn La và Lai Châu từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2017.
Tham dự hội thảo và đóng góp ý kiến gồm có các hướng dẫn viên đã trực tiếp tham giá đánh giá VCA trên nhiều địa bàn, các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực về Giới và Đa dạng và phòng ngừa rủi ro thiên tai thuộc các cơ quan chính phủ, phi chính phủ đến từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Trị; Tổng cục Phòng chống thiên tai; T.Ư Hội phụ nữ Việt Nam, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Pháp, Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Tài liệu VCA giúp hướng dẫn thực hiện các bước đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó thảm họa của cộng đồng; từ đó huy động sự tham gia của cộng đồng và các đoàn thể trong phòng chống thiên tai, thảm họa.
Tài liệu này được xây dựng bởi T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 1997 và cập nhật năm 2016. Năm 2014, chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh phương pháp trong VCA để xây dựng phương pháp Đánh giá rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng (CBDRA) và ban hành Đề án 1002 về Nâng cao nhận thức và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Tài liệu VCA được đánh giá cao và sử dụng rộng rãi, tuy nhiên, nội dung lồng ghép Giới và Đa dạng trong tài liệu hiện thời chưa được chú trọng. Trong khi đó, phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái, người khuyết tật và người thuộc các nhóm xã hội, văn hóa, kinh tế và tôn giáo khác nhau có mức độ dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó khác nhau trong thảm họa.
Lồng ghép Giới và Đa dạng trong việc thực hiện VCA giúp tìm hiểu nhu cầu, khả năng và ưu tiên cụ thể của từng nhóm đối tượng, hiểu được thực trạng của cộng đồng một cách toàn diện và đầy đủ, đảm bảo không bỏ sót đối tượng nào.
Do đó, lồng ghép Giới và Đa dạng đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện các mục tiêu của VCA, giúp nâng cao khả năng ứng phó của tất cả các nhóm đối tượng và cả cộng đồng.
“Ở nơi vùng núi, sâu, vùng xa, khi thực hiện những cuộc đánh giá thì tôi thấy rằng vai trò của phụ nữ chưa được đề cập đến. Việc lồng ghép Giới và Đa dạng vào trong đánh giá VCA sẽ thấy được vai trò của những người phụ nữ và quan tâm tới sự đa dạng của các nhóm đối tượng. Khi mà thiên tai, thảm họa xảy ra thì nó sẽ tác động tới các vấn đề của nam, nữ, và các đối tượng như thế nào, từ đó sẽ có những biện pháp phù hợp hơn, không bỏ sót một ai”, chị Nguyễn Phương Mai, cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La, hướng dẫn viên VCA cho biết.

Dựa trên hai tài liệu của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế “Hướng dẫn lồng ghép Giới và Đa dạng trong VCA” và “Cam kết tiêu chuẩn tối thiểu về giới và đa dạng trong chương trình khẩn cấp” , Hội thảo đã tiến hành thu thập các ý kiến để lồng ghép Giới và Đa dạng vào quá trình đánh giá VCA.
“Công cụ do Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đưa ra có rất nhiều nội dung hay. Tuy nhiên, cần phải điều chỉnh để phù hợp hơn với cả ngữ cảnh cũng như văn hóa của người Việt, để thuận tiện cho người thu thập thông tin - người áp dụng bộ công cụ đánh giá này với người dân. Đồng thời, cũng để cho người dân cảm thấy thoải mái, có thể phát huy được hết kiến thức, kĩ năng, sự tham gia của họ trong việc đánh giá này” - anh Đỗ Quốc Anh, Chuyên viên, T.Ư Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Ông Trần Sĩ Pha, Phó trưởng ban Phòng Ngừa rủi ro thảm họa , T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (VNRC) cho rằng, kinh nghiệm thực tế của các hướng dẫn viên VCA tại địa phương chính là nhân tố quan trọng để tài liệu này phát huy tối đa tính hữu ích và hoàn thành mục tiêu với cộng đồng.
“Kĩ năng, tài liệu là công cụ không thể thiếu được, nhưng tài liệu đó phụ thuộc chính vào kĩ năng của những người đi đánh giá và kĩ năng đó không phải đơn giản là chúng ta được tập huấn mà có được. Kĩ năng đó thuộc cá nhân các anh, các chị” – ông Trần Sĩ Pha chia sẻ.
Ông Pha cũng cho biết thêm, sau hội thảo này, VNRC sẽ hoàn thiện tài liệu theo các ý kiến đóng góp, và tổ chức một khóa tập huấn đào tạo hướng dẫn viên về đánh giá VCA sử dụng bộ tài liệu cập nhật có lồng ghép Giới và Đa dạng (dự kiến tháng 11/2017).