Được thành lập năm 1979, Trung tâm mang “sứ mệnh” giúp đỡ và hỗ trợ những người bị bệnh tâm thần, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ. Nơi đây không chỉ là cơ sở điều trị mà còn là một mái ấm, nơi để những mảnh đời kém may mắn nương tựa. Sau khi được nâng cấp, mở rộng, đến nay, Trung tâm có diện tích 65.964m2, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 418 đối tượng là những số phận kém may mắn như người khuyết tật, người bị bệnh thần kinh, người già neo đơn, trẻ em mồ côi,...
“Năm 2014, Trung tâm đảm nhận quản lý Khu Chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi huyện Cần Giuộc. Hiện Khu Chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi huyện Cần Giuộc thí điểm nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện, có tính phí. Nơi đây đang quản lý 9 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội và tiếp nhận 1 đối tượng theo chương trình thí điểm” - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - Lê Văn An chia sẻ.
Các đối tượng vào Trung tâm đều được Ban Giám đốc cùng tập thể cán bộ, nhân viên chăm sóc tận tình, chu đáo, trẻ em còn được tạo điều kiện đến trường đi học. Mục tiêu của Trung tâm không chỉ dừng lại ở việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần mà còn xây dựng một “xã hội” chấp nhận và tôn trọng những người bị căn bệnh này ảnh hưởng.
Thời gian qua, Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động để bệnh nhân tâm thần có cơ hội tham gia cộng đồng, trải nghiệm và tái lập cuộc sống bình thường. Cụ thể, vào lúc 7 giờ 30 phút đến 9 giờ và từ 13 giờ 30 phút đến 15 giờ 30 phút hàng ngày, Trung tâm tổ chức cho 22 bệnh nhân tâm thần nhẹ tham gia đan giỏ nhựa. Thành phẩm sẽ đem bán và chia thu nhập cho mỗi người khoảng 200.000 đồng/tháng. Để tạo không khí vui tươi, khích lệ tinh thần bệnh nhân, mỗi tuần, Trung tâm đều tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao như hát karaoke, đánh cầu lông, bóng chuyền hơi,...
Tại Trung tâm, tình yêu thương và sự chăm sóc tận tâm được đặt lên hàng đầu. Các y, bác sĩ không chỉ làm công việc chăm sóc mà còn trở thành người bạn, người thân đồng hành với bệnh nhân trong cuộc sống./.
Tô An - Hoàng Lan