1. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông Lê Hoàng Nam (SN 1950, ngụ xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) làm giao liên xã khi mới 14 tuổi. Ông Nam kể: “Tôi 14 tuổi nhưng nhìn chẳng khác nào đứa trẻ 8, 9 tuổi, thế nên địch lơ là, chủ quan không nghĩ tôi đang làm nhiệm vụ giao liên. Có lần địch nhận được tình báo nên bố trí quân lính chặn bắt, tôi hay được liền chạy vào nhà dân giả bộ dẫn trâu đi ăn nên may mắn thoát được”.
Năm 1965, ông Lê Hoàng Nam thoát ly gia đình, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông và được phân công vào khu hậu cần với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí. Ông cùng các chiến sĩ cách mạng đi bộ hoặc bơi xuồng hàng trăm kilômét bất kể ngày đêm, băng qua những cánh rừng tiếp tế đạn dược cho chiến trường. Máy bay quần thảo, nếu phát hiện chiến sĩ cách mạng là thả bom hoặc cho lính đến càn quét.
Vào mùa lũ, cán bộ, chiến sĩ phải ngâm mình hàng giờ dưới nước. Địch càn quét, nhân dân không tiếp tế lương thực, cán bộ, chiến sĩ phải ăn lá rừng cho đỡ đói. Dù khó khăn, vất vả, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng chẳng làm ông Nam và đồng đội vơi ý chí. Ngược lại, chính sự tàn bạo, độc ác của kẻ thù càng nung nấu tinh thần quyết chiến của ông Nam. Đến năm 1972, ông Nam được tổ chức phân công làm nhiệm vụ trinh sát tại vùng biên giới Campuchia.
Năm 1977, ông trở về địa phương và lập gia đình. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ giữa đời thường, ông ra sức lao động, sản xuất. Tuy nhiên, do mang thương tật đến 61%, ông Nam không đủ sức khỏe làm kinh tế để chăm lo cho 5 người con. Chia sẻ với hoàn cảnh này, các cấp, các ngành không chỉ thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi cho NCC mà còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà.
Ông Nam cho biết: “Tham gia cách mạng, tôi chỉ nghĩ đơn giản là chung tay, góp sức giành lại hòa bình, độc lập cho quê hương, dân tộc chứ không nghĩ thế hệ mai sau phải tri ân. Khi nhận được các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho NCC, tôi cảm thấy rất ấm lòng, trong đó, có chính sách miễn, giảm học phí cho con thương binh giúp gia đình tôi có điều kiện nuôi 5 người con ăn học”.
2. Sống trong căn nhà “trống trước, trống sau”, bà Đoàn Thị Thủy (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) luôn mơ ước về căn nhà mới để thờ cha là liệt sĩ Đoàn Văn Nam. Thế nhưng, mơ ước đó mãi chưa thực hiện được bởi cuộc sống còn khó khăn. Bà bán vé số, chồng làm thuê, thu nhập “ngày có, ngày không” trong khi đang nuôi 4 người con ăn học.
Thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho GĐCS, NCC, huyện kêu gọi xã hội hóa 60 triệu đồng giúp bà Thủy xây dựng căn nhà tình nghĩa. Căn nhà đang trong giai đoạn hoàn thành, dự kiến sẽ bàn giao nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Bà Thủy bộc bạch: “Trước đây, gia đình 6 thành viên sống trong căn nhà 60m2, xây dựng trên 20 năm, đã xuống cấp. Được chính quyền địa phương hỗ trợ 60 triệu đồng cùng số tiền tích cóp, gia đình mới có đủ điều kiện xây dựng lại căn nhà”.
Bà Đoàn Thị Thủy (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) vui mừng vì có được căn nhà mới
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Tân Trụ xã hội hóa xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng và sửa chữa 3 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 110 triệu đồng. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Trụ - Nguyễn Thị Ngọc Vệ cho biết: “Toàn huyện có 1.150 GĐCS, NCC nhận trợ cấp thường xuyên với kinh phí trên 2 tỉ đồng/tháng.
Những năm qua, huyện nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho GĐCS, NCC. Đến nay, huyện cơ bản giải quyết được tình trạng GĐCS, NCC khó khăn về nhà ở”.
Ông Lê Hoàng Bá (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) cảm thấy ấm lòng vì luôn được thế hệ hôm nay tri ân bằng nhiều việc làm, hành động thiết thực
Hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho GĐCS, NCC nhân các dịp lễ, tết được xem là việc làm thường niên của các cấp, các ngành nhằm thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người hy sinh xương máu cho nền hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.
Ông Lê Hoàng Bá (SN 1946, bệnh binh, ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) nói: “Những phần quà tuy giá trị về vật chất không lớn nhưng tôi lại rất quý bởi đây là tấm lòng của thế hệ hôm nay đối với NCC, GĐCS. Những lời thăm hỏi, động viên giúp tôi cảm thấy ấm lòng vì thế hệ hôm nay luôn nhớ đến những cống hiến của thế hệ đi trước cho nền hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc”.
Hiện nay, các GĐCS, NCC đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú. Điều này minh chứng cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay đối với những người cống hiến xương máu, thanh xuân cho nền hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc./.
Kim Ngọc