Liên tiếp xảy ra đuối nước ở miền Trung: Cần trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ

Nguyễn Hồng Hạnh
Chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng hơn 1 tháng trở lại đây, tại các tỉnh miền Trung liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em, học sinh đuối nước thương tâm, đáng báo động.
Mới đây, nhóm học sinh 14 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng rủ nhau đi tắm tại bãi biển Nam Ô thì bị sóng cuốn, 4 em may mắn được cứu sống còn 1 em tử vong.

Trước đó không lâu, tại tỉnh Bình Định, một nhóm thanh thiếu niên rủ nhau đi tắm biển. Các em bám vào một chiếc phao bơi thì bất ngờ bị sóng đánh văng ra khỏi phao, 2 anh em thiệt mạng. Đó chỉ là 2 trong hàng loạt vụ đuối nước xảy ra tại các tỉnh, thành phố ở miền Trung trong vòng 1 tháng qua. Học sinh đuối nước khiến phụ huynh, giáo viên lo lắng.

Cô Đặng Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho rằng, ngoài tăng cường quản lý học sinh, các em cần được trang bị kỹ năng bơi và cách phòng tránh đuối nước.

“Hè mới bắt đầu thôi nhưng mà chúng ta đã thấy những sự việc đáng tiếc đã xảy. Cho nên ,chúng tôi rất chú trọng dạy cho học sinh kỹ năng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường vào thời gian phù hợp ngoài giờ cũng như là trong thời gian hè”, cô Hiền nói.

Hầu hết các vụ học sinh đuối nước do các em đi tắm biển, tắm sông ở những nơi vắng người, thiếu sự giám sát của phụ huynh và lực lượng cứu hộ. Nhiều gia đình bố mẹ, người thân phải đi làm, con cái ở nhà một mình, tự đi ra ngoài. Mặt khác, nhiều trẻ chưa được trang bị kỹ năng bơi, phòng tránh đuối nước.

Miền Trung đã bước vào mùa nắng gắt. Học sinh sắp nghỉ hè, trẻ em thường rủ nhau tắm biển, sông, suối, nguy cơ mất an toàn tăng cao. Em Nguyễn Trần Ca, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng mong muốn được nhà trường dạy bơi và trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước.

“Khi học bơi em có thể tự ứng cứu khi gặp nạn. Ví dụ khi đi chơi cùng gia đình, không may bị lật thuyền, nếu biết bơi em có thể tự ứng cứu và bơi vào bờ nhờ người dân giúp đỡ”, em Ca bày tỏ.

Thực tế, mặc dù các địa phương quan tâm và có các chương trình dạy bơi, trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước cho học sinh nhưng nhiều nơi gặp khó khăn về nguồn lực, thiếu cả bể bơi và lực lượng dạy bơi cho trẻ.

Đơn cử, tại tỉnh Quảng Nam có khoảng 540 trường học nhưng cả tỉnh chỉ có 46 bể bơi, hồ bơi, trong đó chỉ có 21 hồ bơi trong các trường học.

Từ năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh xây dựng Đề án “Phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2021”. Thế nhưng, kinh phí đầu tư các hồ bơi lớn, cần nhiều nguồn nhân lực phục vụ cho việc dạy bơi... nên đến nay đề án này vẫn nằm trên giấy.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tôi nghĩ rằng, Đề án phổ cập bơi phải khẩn trương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc trong giáo dục thể chất, kỹ năng sống cho trẻ em trong nhà trường”.

Trước thực tế các vụ đuối nước gia tăng khi mới vào đầu mùa hè, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, nhất là đẩy mạnh việc dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.

Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho biết, ngành đang phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè.

“Chúng tôi hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện việc phòng chống đuối nước bằng cách tăng cường dạy kỹ năng sống để các em biết ứng phó khi xảy ra nguy hiểm. Trước tình hình bão, lũ rồi hay những tình huống bạn bè gặp đuối nước, các em sẽ biết phải xử lý ra sao, biết những nơi nào nguy hiểm để tránh”, bà Điển nói thêm./.