Tăng cường trang bị kỹ năng, phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ

Tạp Chí Nhân Đạo
Mặc dù mới vào đầu hè nhưng thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân chủ yếu là các em nhỏ, trong độ tuổi đi học. Để ngăn ngừa tình trạng thương vong do đuối nước, gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội ở địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Liên tiếp các vụ đuối nước trẻ em
Mới đây, vào chiều 23/4, một nhóm học sinh lớp 5 và lớp 6 quê ở thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa rủ nhau đi chơi rồi xuống tắm tại vùng biển của thôn. Thời điểm này, gió thổi mạnh, sóng cao hơn ngày thường. Trong lúc tắm biển, có 4 em bị đuối nước, nguyên nhân ban đầu xác định do nước cuốn, mất tích. Ngay sau khi nắm được thông tin, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại hiện trường và tổ chức tìm kiếm 4 em. Tuy nhiên, hiện mới tìm thấy thi thể của 1 em.
Trước đó, sáng 17/4, vợ chồng anh Nguyễn Duy Biên và chị Nguyễn Thị Huế, ở thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đi làm thì ở nhà hai con sinh đôi là Nguyễn Thị Như Ý và Nguyễn Thị Như Quỳnh, sinh năm 2012, rủ nhau ra trước nhà chơi thì không may bị rơi xuống ao. Người dân phát hiện được vụ việc thì hai cháu bé đã tử vong.


Để phòng ngừa tai nạn đuối nước, cần trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ

Cũng trong ngày 17/4, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ cho biết đã tìm thấy thi thể 2 cháu bị mất tích trên sông Đà trong ngày 14/4. Trước đó, vào khoảng 14h chiều 14/4, một nhóm học sinh gồm 7 cháu ở trường THCS Đà Xá, huyện Thanh Thủy tự rủ nhau ra sông Đà (thuộc xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy) chơi và xuống sông tắm, không may 2 cháu N.C.Đ và N.T.Đ, học sinh lớp 7, trường THCS Đào Xá bị nước cuốn trôi.
Vào ngày 16/4, trên địa bàn xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu bé tử vong. Do được nghỉ học nên 5 em học sinh tiểu học gồm Nguyễn Đức Khánh C, sinh năm 2012, Nguyễn Văn P, sinh năm 2012, Đào Công H, sinh năm 2012, Lý Văn K, sinh năm 2010, Lý Văn K, sinh năm 2012 rủ nhau ra khu vực hồ Làng Thum chơi đùa. Trong lúc chơi, không may 3 cháu gồm P, K và K trượt chân ngã xuống hồ dẫn tới đuối nước.
Đây chỉ là số ít những vụ đuối nước thương tâm xảy ra trong thời gian vừa qua. Mặc dù những năm gần đây tỷ lệ trẻ em Việt Nam đuối nước có xu hướng giảm nhưng vẫn rất chậm và thấp. Đáng nói, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao so với nhiều nước trên thế giới.
Nâng cao kỹ năng cho trẻ và gia đình
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Theo thống kê, hàng năm cả nước có hàng nghìn người bị đuối nước trong đó có khoảng 2.000 trẻ em.
Theo ông Nam, “tai nạn đuối nước cùng với tai nạn giao thông là hai nguyên nhân gây thương vong lớn nhất cho trẻ em. Do đó, các địa phương cần quan tâm đầu tư về hạ tầng, xây dựng các bể bơi, kể cả bể bơi thông minh, đầu tư huấn luyện viên, giáo viên triển khai các lớp dạy bơi, hướng dẫn an toàn trong môi trường nước cho các đối tượng trẻ em.
Thực chất khoản đầu tư này không quá tốn kém nhưng địa phương có đầu tư hay không. Ví dụ, hiện nay chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em mà Cục Trẻ em đang phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai đã tính toán toàn bộ chi phí để dạy kỹ năng an toàn và dạy bơi trung bình là 30 USD/trẻ (tương đương khoảng 700.000 đồng - PV). Đầu tư không quá tốn kém mà cứu được sinh mạng, bảo vệ sức khỏe cho rất nhiều trẻ em là việc phải làm”.


Cần đầu tư huấn luyện viên, giáo viên triển khai các lớp dạy bơi, hướng dẫn an toàn trong môi trường nước cho các đối tượng trẻ em

Phân tích về nguyên nhân khiến trẻ em bị đuối nước, bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nguyên nhân khiến trẻ bị đuối nước đầu tiên và quan trọng nhất thuộc về các gia đình. Các gia đình đã thiếu kỹ năng, kiến thức bảo vệ con về phòng chống tai nạn thương tích nói chung và kỹ năng bảo vệ con chống đuối nước nói riêng.
Môi trường xung quanh chúng ta thiếu an toàn. Ngay cả trong gia đình, những đồ vật như chum, vại chứa nước, em bé có thể rơi tõm xuống và đuối nước. Xung quanh gia đình là ao, hồ, ra ngoài cộng đồng là hồ, sông, biển, sau đó, do trẻ em thiếu kỹ năng tồn tại dưới nước. Khi rơi xuống nước, trẻ không có kỹ năng tồn tại trong môi trường nước trong đó có kỹ năng bơi lội.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, từ 6 tuổi trở lên, chúng ta bắt đầu dạy bơi cho trẻ. Tuy nhiên, chúng ta lại đang dạy bơi theo kiểu phong trào, trống giong cờ mở nặng về thành tích. Dạy trẻ kỹ năng học bơi cần phải dạy cả kỹ năng tồn tại dưới nước khoảng 90 giây để mọi người xung quanh còn phải hô hoán, cứu đuối. Bên cạnh đó, tình trạng đuối nước trẻ em thường xảy ra ở các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.
Bố mẹ không có thời gian để nghe, để xem truyền thông, không có điều kiện để cho con đi học bơi. Vậy, điều quan trọng là đội ngũ công tác xã hội phải tăng cường công tác truyền thông, truyền đạt kiến thức, kỹ năng vào những giờ người dân có nhà nhất là các gia đình có kinh tế khó khăn để người ta có kỹ năng, lo lắng, quan tâm con cái.
Sau hàng loạt những vụ đuối nước thương tâm, mới đây, Ủy ban Quốc gia về Trẻ em đã gửi công điện tới UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác bảo vệ và thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em.
Cụ thể, Ủy ban Quốc gia về Trẻ em yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương trực thuộc thành phố tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm minh các vụ việc xâm hại trẻ em; Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ở các cấp, các ngành; Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình, cộng đồng kiến thức, kỹ năng phát hiện, tố cáo kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em; Giám sát, trông coi trẻ em đặc biệt trẻ em nhỏ tuổi.

Thanh Hà
https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-trang-bi-ky-nang-phong-ngua-tai-nan-duoi-nuoc-o-tre-161279.html