Tại buổi làm việc Tiến sĩ Barbara Maas - Thư ký về Môi trường và Bảo tồn của Liên đoàn Phật giáo Quốc tế đánh giá cao những kết quả của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch Covid - 19 và các hoạt động nhân đạo nổi bật.
Đồng thời, Tiến sĩ Barbara Maas chia sẻ về Dự án “Bảo vệ động vật hoang dã” - Một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng với sự hợp tác của Liên đoàn Phật giáo Quốc tế nhằm hạn chế nhu cầu đối với động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã ở 9 quốc gia Đông Nam Á với tỷ lệ người theo đạo Phật cao, nhằm thúc đẩy tính bền vững, đa dạng sinh học và giảm thiểu rủi ro lan truyền từ động vật.
Tiến sĩ Barbara Maas cho biết: Chúng tôi có kế hoạch thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức trên toàn quốc tại 9 quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) được công nhận là điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã nhằm giảm nhu cầu về việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật nuôi, lông thú hoặc các mục đích khác. Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma tuý và tội phạm (UNODC) cũng xác định 5 quốc gia trong số này là những nước đóng vai trò chính trong hoạt động buôn bán bất hợp pháp quốc tế đối với các sản phẩm từ tê giác và ngà voi đó là: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Đài Loan.
Dự án sẽ làm việc để thực hiện những thay đổi hành vi liên quan đến việc tiêu thụ động vật hoang dã nhằm làm thực phẩm, thuốc men và các mục đích khác bằng cách liên kết nó với các giá trị căn bản của đạo Phật, chẳng hạn như các nguyên lý về lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh, trách nhiệm phổ quát và sự tương quan tương thuộc lẫn nhau. Sự tôn trọng cuộc sống được nhấn mạnh đầu tiên trong 5 điều đạo đức trong đạo Phật, đó là cam kết không làm hại chúng sinh. Điều này rất phổ biến trong tất cả các truyền thống Phật giáo và là một phần của các Phật tử mới vào đạo và sự thực tập của các Phật tử thuần thành và là viên đá nền tảng trong Tuyên bố Nalanda của Liên đoàn Phật giáo Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và phúc lợi động vật.
Tại Việt Nam, dự án sẽ theo đuổi mục tiêu này bằng cách hợp tác chặt chẽ với chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thông qua lòng nhân ái và lối sống bền vững, chủ trương này sẽ đóng góp một cách hữu hình hướng tới tính bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ sinh kế và hòa bình, cũng như giảm thiểu rủi ro lan truyền từ động vật.
Sau khi nghe giới thiệu về dự án, bà Bùi Thị Hoà - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đưa ra những gợi ý đề xuất trong việc phối hợp thực hiện dự án như: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tham gia vào chiến dịch truyền thông cho toàn bộ cán bộ, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trong hệ thống các cấp Hội trải khắp 63 tỉnh thành cả nước; Hành động cụ thể để bảo vệ môi trường thông qua việc trồng rừng ngập mặn, trồng rừng tại những vùng đất đã bị con người khai thác tạo môi trường sống an toàn cho động vật hoang dã; Tạo ra môi trường sống xanh sạch hơn bằng việc thu gom rác thải, xử lý tái chế rác thải phục vụ con người; Cảnh báo chăm sóc sức khoẻ cho người dân (từ những bộ tài liệu do Liên đoàn Phật giáo Quốc tế cung cấp)…. "Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang triển khai Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” thông qua các bếp ăn này chúng tôi sẽ truyền thông về “bữa ăn lành mạnh” không sử dụng thịt từ động vật hoang dã", bà Hoà nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Thượng tọa Tiến sĩ Dhammapiya - Tổng Thư ký Liên đoàn Phật giáo Quốc tế gửi lời tri ân đến Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng các thành viên Hội Chữ thập đỏ đã cùng trao đổi, phối hợp để thực hiện dự án ý nghĩa, nhân văn này. Liên đoàn Phật giáo Quốc tế mong muốn được đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhanh chóng triển khai dự án này.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên cùng nhất trí tiếp tục thảo luận chi tiết đi đến những mục tiêu nhiệm vụ chung được cụ thể bằng bản ghi nhớ hợp tác trong thời gian tới.