Chiêu trò lừa đảo kêu gọi đầu tư
Sau bài viết ‘Cạm bẫy từ những cam kết thu lợi lớn trên Internet’, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Nam).
Theo đơn vị này, chiêu trò lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo phát triển rầm rộ trong vài năm gần đây. Những đối tượng này lập ra nhiều website đầu tư tài chính, các ứng dụng có giao diện tương tự đầu tư tài chính quốc tế. Sau đó chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia.
Đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn làm quen qua mạng xã hội Facebook, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh chóng bằng hình thức làm cộng tác viên cho các trang bán hàng (Sen đỏ, Lazada...), đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo không rõ nguồn gốc.
Tiếp đó, đối tượng lừa đảo dẫn dắt bị hại tham gia sàn giao dịch tiền ảo, đầu tư bằng cách nạp tiền thật mua đổi tiền ảo: Tải ứng dụng sàn giao dịch (SGX, Nasdaq...) và lập tài khoản (trên Benance...) để nạp tiền USDT (đô la tiền ảo), sau đó chuyển sang sàn SGX, Nasdaq để giao dịch.
Thời gian đầu, đối tượng có thể bỏ ra một vài trăm USD, thậm chí cả nghìn USD cho người chơi mượn. Khi người chơi đầu tư có lời, có thể đổi từ tiền ảo sang tiền thật và rút được tiền.
Lúc người chơi tin tưởng, nạp vào số tiền lớn lên tới hàng trăm triệu để đầu tư thì không rút được tiền nữa. Các đối tượng lại tiếp tục hướng dẫn người chơi hỏi dịch vụ khách hàng. Đến bước này, người chơi nhận được câu trả lời rằng phải nâng cấp lên tài khoản VIP để rút được tiền và không mất tiền thuế 50%.
Người chơi tưởng thật đã nạp thêm nhiều tiền để nâng cấp tài khoản VIP, nhận thông báo ấn định ngày giờ rút được tiền.
Tuy nhiên, sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được, người chơi không đăng nhập được để rút tiền trong tài khoản mới biết mình bị lừa.
Theo cơ quan công an, các đối tượng đã chiếm đoạt tiền, đánh sập sàn giao dịch nên khó xác minh, làm rõ để xử lý theo pháp luật.
Nhiều phương thức lừa đảo khác nhau
Cũng theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hiện nay, các đối tượng lừa đảo có nhiều phương thức, thủ đoạn sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Một trong số đó như: Nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng; tự xưng là cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra; hack tài khoản Facebook rồi thực hiện hành vi lừa đảo; thông báo trúng thưởng tiền, tài sản có giá trị; gửi link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng; chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo; lợi dụng dịch bệnh để gửi link độc hoặc lừa bán thuốc giả; giả mạo tài khoản Zalo, Facebook của lãnh đạo mượn tiền nhân viên…
Các đối tượng thực hiện nhiều phương thức lừa đảo qua mạng. (Ảnh minh họa)
Thời gian qua, cơ quan công an đã kêu gọi, đưa ra nhiều thông báo tới người dân về những biện pháp phòng, chống các đối tượng xấu lợi dụng trong việc tạo dựng lòng tin.
Đồng thời khuyến cáo người dân không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng; không đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối…
Khi tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm”, người dân không được sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Đồng thời, chỉ làm việc và liên lạc với ngân hàng để giải quyết vấn đề.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Theo VietNamNet