Chiêu trò lừa đảo từ những cuộc gọi giả danh công an

Nguyễn Diệp Linh
Thời gian qua, xuất hiện nhiều đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện hăm dọa bị hại để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Mặc dù đã được lực lượng chức năng khuyến cáo nhưng hiện nay số người "sập bẫy" vẫn gia tăng.

Thao túng tâm lý bằng “nỗi sợ hãi”

Kịch bản phổ biến đang được nhiều đối tượng xấu sử dụng đó là giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm Luật Giao thông, lừa đảo xuyên quốc gia,...

chieu tro lua dao tu nhung cuoc goi gia danh cong an hinh anh 1

Một nạn nhân

Khi nạn nhân cho biết mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến thì các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng, có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng, yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình.

Hiện nay, đã có rất nhiều người bị lừa đảo bằng cách này. Để người dùng dễ dàng “sập bẫy”, các đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi của con người. Khi người dân lo sợ, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì chúng chiếm đoạt ngay lập tức.

Dù báo chí đã đưa không ít vụ việc lừa đảo kiểu này nhưng số lượng nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên do những thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp.

Nữ nạn nhân B.T.T.T ở Gia Nghĩa, Đăk Nông kể, ban đầu, chị nhận cuộc gọi từ số máy lạ yêu cầu đến Công an để làm việc. Đối tượng thông báo chị T có liên quan đến một đường dây rửa tiền, đồng thời gửi cho chị nhiều văn bản của Công an, Viện kiểm sát thể hiện chị T là nghi can vụ án rửa tiền.

Để chứng minh mình vô tội, chị T đồng ý hợp tác để điều tra và sau đó, đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền qua tài khoản để tiến hành kiểm tra, nếu không liên quan thì chúng sẽ chuyển trả lại. Đối tượng đề nghị chị T tuyệt đối giữ bí mật thông tin.

Vì lo sợ, chị T đã âm thầm chuyển khoản nhiều đợt, tổng cộng số tiền gần 3 tỷ đồng vào 2 tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển khoản, chị không thể liên lạc được với các đối tượng, lúc này chị mới đến trình báo sự việc với công an.

Trường hợp của bà L. (trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cũng tương tự. Bà nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Viện kiểm sát thông báo bà L. có liên quan đến vụ án ma túy.

Đối tượng này yêu cầu bà L. phải chuyển tiền vào tài khoản để phong tỏa, nếu không liên quan sẽ trả lại. Do lo sợ, bà L. đã chuyển 4,25 tỉ đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi chuyển tiền, bà L. mới biết mình bị lừa và đến Công an phường Dịch Vọng trình báo.

chieu tro lua dao tu nhung cuoc goi gia danh cong an hinh anh 2

Chị P. (SN 1980; ở quận Cầu Giấy – Hà Nội) lại bị lừa đảo một cách tinh vi hơn. Chị cũng nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an như các nạn nhân khác.

Đối tượng thông báo chị P. có liên quan đến một vụ án đang trong quá trình điều tra và yêu cầu chị tải ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” để phục vụ điều tra. Do lo sợ và tin tưởng là thật, chị P. làm theo yêu cầu, sau khi đăng nhập tài khoản, chị P. phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị mất gần 2 tỷ đồng, lúc này khi biết bị lừa, chị mới đến cơ quan công an trình báo.

Làm thế nào để tránh “sập bẫy” những cuộc gọi lừa đảo?

Theo trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCNC), người dân cần lưu ý rằng, các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.”

chieu tro lua dao tu nhung cuoc goi gia danh cong an hinh anh 3

Lực lượng công an điều tra vụ việc từ trình báo của nạn nhân

Để tránh "sập bẫy" loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an các cấp, cần nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của người dân. Người dân phải hết sức thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp, phải dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và lưu ý những vấn đề sau để tránh bị lừa đảo.

-Thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời có kiến thức để tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, để tránh mắc bẫy của loại tội phạm này.

-Không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, hoặc khi mua sắm tại các cửa hàng.

-Khi có cuộc gọi tự xưng là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến Công an địa phương nơi mình cư trú.

-Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như: bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, không ấn vào những đường link giả mạo,..

-Không cung cấp số tài khoản, mã OTP, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.

-Tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tài khoản đã chuyển), cần xác thực thông tin trước khi chuyển tiền,… Lực lượng chức năng tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

-Khi có nghi vấn, phải báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để xử lý.

Theo VOV