Lao đao vì thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế... thiếu cả bác sỹ - Bộ Y tế cần hành động ngay

Nguyễn Diệp Linh
28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 26/34 Sở Y tế và 15/21 Bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng. Bên cạnh đó, một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… đã gây ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ rõ, còn có nguyên nhân chủ quan là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, thống kê từ 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.

Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Bên cạnh đó, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.

can-bao-dam-cung-ung-day-du-thuoc-vat-tu-y-te-phuc-vu-kham-chua-benh-1667272256.jpegCần đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư khám chữa bệnh

 

Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

TS Nguyễn Thị Ngọc Bảo - Phó giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho hay, vấn đề thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế đã xảy ra từ lâu, nhưng điều quan trọng là tình trạng thiếu ở mức độ nào, thiếu gì.

“Phải có số liệu rõ ràng. Trên cơ sở số liệu này, chúng ta mới đưa ra những giải pháp cụ thể”, TS Ngọc Bảo nêu ý kiến và cho biết tuần qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác thiếu thuốc, trang bị vật tư y tế ở tất cả các cơ sở y tế.

TS Ngọc Bảo cho hay, việc tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị tại các cơ sở y tế còn vướng víu nhiều mặt do các cấp tổ chức đấu thầu hoạt động khác nhau.

90% văn bản pháp lý không theo kịp được thực tế là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thiếu thuốc, vật tư y tế.

Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật cũng gần như bao phủ các yếu tố và thích ứng được phần nào sự thay đổi trong thực tế để đáp ứng được nhu cầu về thuốc, trang thiết bị y tế trong công tác điều trị.

Đối lập với việc thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, TS Ngọc Bảo cho hay còn có những thuốc khi được đàm phán giá hay đấu thầu tập trung thì chỉ sử dụng 20 - 30% so với nhu cầu, gây thừa thuốc trong khi yêu cầu phải sử dụng ít nhất 80%.

“Không phải thiếu thuốc ở tất cả các đơn vị, và cũng không phải thiếu thuốc ở tất cả các danh mục thuốc. Do đó, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế trên toàn quốc hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả điều tra, giám sát, thực thi của 4 đoàn kiểm tra”, TS Ngọc Bảo khẳng định.

Trước những khó khăn nêu trên, TS Ngọc Bảo đề nghị kết hợp các giải pháp trước mắt và các giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Các bộ gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trình Chính phủ.

Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã có văn bản về việc xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế. Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị trực thuộc sở khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm tính sẵn sàng. Không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn và tại các đơn vị; tập trung bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là các thuốc hiếm nguồn cung.

Các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc sở, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc và vật tư y tế trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong mua sắm và cung ứng thuốc, vật tư y tế. Trường hợp có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu thì Sở Y tế báo cáo rõ nguyên nhân về Bộ Y tế. Đối với các bệnh viện trực thuộc bộ, Bộ Y tế đề nghị triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm sẵn sàng; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại đơn vị.

Trường hợp có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu; bệnh viện báo cáo rõ nguyên nhân về Bộ Y tế. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc và vật tư y tế phải bảo đảm việc tồn trữ, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh để sẵn sàng cung ứng thuốc và vật tư y tế kịp thời, đúng quy định.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các vụ, cục chức năng chủ động đôn đốc các đơn vị thực hiện và tổng hợp gửi Cục Quản lý dược để tổng hợp chung báo cáo Bộ Y tế.

Về tình hình thôi việc, nghỉ việc của cán bộ y tế khu vực công lập, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 01/01/2021 - 30/6/2022 trên cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc, bao gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác.

Trong số này có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh 2.035 người, Thành phố Hà Nội 1.032 người, Đồng Nai 496 người, Bình Dương 368 người, An Giang 297 người, Long An 266 người, TP Đà Nẵng 248 người, TP Cần Thơ 238 người, Đồng Tháp 204 người.

Về nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ Y tế, nguyên nhân đầu tiên là do thu nhập thấp. Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương 3.486.000 đồng/tháng; phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Trong khi đó, mức lương so với mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần.

Bên cạnh nguyên nhân lương thấp còn do áp lực công việc cao, nhất là trong trong bối cảnh có dịch Covid-19. Ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý. Phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; Kiểm dịch y tế biên giới. Phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.

Bên cạnh đó, Cán bộ y tế dự phòng được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề là 40%; các cán bộ, viên chức trạm y tế xã/phường được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 30-40%.

Hạnh Vũ