Hành trình Đỏ với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” là chương trình hiến máu tình nguyện (HMTN) có quy mô lớn nhất Việt Nam được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức từ năm 2013 đến nay.
Tỷ lệ người hiến máu cao hơn trung bình toàn quốc
Những năm qua, phong trào HMTN tại Thừa Thiên Huế có những bước phát triển đáng ghi nhận, lượng máu tiếp nhận được ngày càng tăng cao, tỷ lệ dân số tham gia hiến máu đạt 2,3% (cao hơn trung bình toàn quốc là 1,5%), đã đưa hiến máu về đến các địa phương, đơn vị, từng bước mở rộng đối tượng tham gia hiến máu… Tuy nhiên, vào một số thời điểm, lượng máu mà tỉnh tiếp nhận được vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu máu điều trị của các bệnh viện trong tỉnh. Tỷ lệ tiếp nhận máu thể tích từ 350ml trở lên mới chỉ đạt gần 20% (Tỷ lệ trung bình toàn quốc đạt khoảng 60%, nhiều địa phương trong cả nước đã đạt 100%).
Chương trình Hành trình Đỏ - Kết nối dòng máu Việt năm 2023 là lần thứ 7 tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia. Năm 2017, toàn tỉnh đã vận động được 23.678 đơn vị máu, đến năm 2022 vận động được 25.604 đơn vị máu. Chương trình Hành trình Đỏ - Giọt hồng xứ Huế năm nay diễn ra trong hai tháng 6&7.
Theo bà Lê Thị Hiền – Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Vận động HMTN, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh, ngay từ đầu tháng 6 đến nay, đã tổ chức 8 đợt, tiếp nhận được 1.794 đơn vị máu; phấn đấu thông qua chương trình này sẽ tiếp nhận được 4.000-5.000 đơn vị máu, góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu điều trị và cấp cứu cho bệnh nhân vào dịp hè do học sinh, sinh viên nghỉ hè.
Trao quà cho các bệnh nhi khó khăn tại lễ phát động |
TS.BS Mai Đình Điểu, thành viên BTC Hành trình Đỏ Trung ương tại Thừa Thiên Huế, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, khẳng định: “Hành trình Đỏ mang lại nhiều thành tựu, dấu ấn, giá trị sâu sắc cho phong trào HMTN tại Việt Nam; khắc phục triệt để tình trạng khan hiếm máu vào dịp hè hàng năm; góp phần nâng cao nhận thức về HMTN, về bệnh tan máu bẩm sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số và sức khỏe cộng đồng. Chương trình còn đào tạo, phát triển được hàng nghìn tình nguyện viên vận động HMTN tại các địa phương; giúp các trung tâm truyền máu tập dượt thành công mô hình tiếp nhận máu với số lượng lớn trong một ngày, đề phòng thảm họa, thiên tai, dịch bệnh… cần truyền máu với số lượng lớn”.
Năm 2023, Hành trình Đỏ tổ chức tại 48 tỉnh/TP và dự kiến tiếp nhận khoảng 120.000 đơn vị máu. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho rằng, đây là một chương trình ý nghĩa, góp phần lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái của hoạt động HMTN đến với người dân.
Sẻ chia khó khăn, nối dài sự sống
Dịp này, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã ra mắt CLB Ngân hàng máu sống Cố đô. Ban tổ chức đã trao 20 suất quà cho 20 bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 700 ngàn đồng; 10 suất quà cho 10 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hơn 23 triệu đồng.
Có mặt tại buổi lễ, anh Ngô Đức P., cha của bé Ngô Nguyễn K.C. bị ung thư máu đang điều trị tại BVTW Huế xúc động: “Cháu bị bệnh hơn một năm qua. Mỗi lần truyền máu đều nhờ vào nguồn máu hiến tặng. Dù không biết mặt họ song cha con tôi mang nặng ân tình từ nghĩa cử cao đẹp của các anh chị tình nguyện viên. Những giọt máu quý giá ấy giúp cháu vượt qua những cơn đau, kéo dài sự sống”.
HMTN lần thứ 26, thầy giáo Phạm Hoàng Vũ ở Trường CĐ Sư phạm Huế hăng hái hòa vào dòng người xếp hàng hiến máu trong lễ phát động. Thầy Vũ cho hay: “Mong cho những chương trình như thế này được tổ chức thường xuyên hơn để nhiều người bệnh được cứu sống và mình sẽ còn vận động nhiều người tham gia cùng”.
25 trường hợp đăng ký hiến tặng mô, tạng tại lễ phát động |
Dịp này, Hội Chữ thập đỏ Tỉnh cùng với BVTW Huế tổ chức tuyên truyền, kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não đối với các cán bộ, tình nguyện viên và người dân. Tại lễ phát động, ban tổ chức đã tiếp nhận 25 trường hợp đăng ký. BS Trần Thị Cẩm Tú - Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng, BVTW Huế cho rằng, đây là con số đáng khích lệ. “Các cơ sở y tế nói chung và BVTW Huế nói riêng rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhà cũng như các tổ chức chính trị - xã hội khác chung tay đẩy mạnh hoạt động truyền thông vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết não”, BS Tú mong muốn.
Theo thống kê cả nước hiện có hơn 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận, hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...
BVTW Huế triển khai hoạt động ghép tạng từ năm 2001 với ca ghép thận đầu tiên, đến nay đã thực hiện thành công gần 1.500 ca ghép thận, 9 ca ghép tim và 1 ca ghép gan, 36 ca ghép giác mạc với kết quả rất tốt… Tuy vậy, hiện vẫn còn hơn 400 bệnh nhân đăng ký chờ ghép thận, 12 bệnh nhân chờ ghép tim – phổi, 26 bệnh nhân chờ ghép tim và gần 30 bệnh nhân chờ ghép giác mạc. Số lượng người hiến tạng sau khi chết ở nước ta rất ít và khan hiếm. Trong khi đó, số lượng chết não do TNGT là rất lớn.
Hiến tặng mô, tạng là hành động cao đẹp, nhân văn, đầy ý nghĩa trong xã hội, đem lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh có nhu cầu cấy, ghép tạng. Khi tất cả cùng đồng lòng kiên trì, kiên định, chia sẻ sâu sắc với hoạt động nhân văn này, sự sống sẽ luôn được nối dài…
LINH TUỆ