Trước đó, bệnh nhân Phạm Thị Thu Trang, 22 tuổi, quê An Giang, nhập viện vào Khoa Cấp cứu – Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) trong tình trạng yếu liệt, biểu hiện tri giác lơ mơ, khi có người gọi thì mở mắt ra lờ đờ, tiếp xúc chậm, không trả lời được, không đi lại được. Do không ăn uống được, người bệnh có thể trạng xấu, gầy, yếu, cơ tứ chi bị teo, rối loạn dưỡng chất.
Sau 3 ngày bổ sung dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe, bệnh nhân được chẩn đoán hình ảnh cụ thể về tình trạng tổn thương não. Kết quả, bác sĩ phát hiện khối u lớn, kích thước khoảng 6x5cm, nằm ở vị trí hố sau ngay vùng thân não, là vị trí khó phẫu thuật, dễ làm tổn thương các chức năng thần kinh sau mổ.
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, thân não là vùng quan trọng nhất của não bộ, nếu có xảy ra tổn thương thì khả rất nguy hiểm, khả năng sống còn của bệnh nhân bị đe dọa. Do đó, nếu mổ bằng phương pháp truyền thống, rất khó đánh giá về các bó sợi thần kinh sẽ đi qua trong khi mổ. Chỉ cần sai lầm một chút, bệnh nhân sẽ có thể yếu liệt hoàn toàn hoặc mất mạng.
Các bác sĩ quyết định sử dụng robot mổ não Modus V Synaptive để cứu bệnh nhân. Sau 4 giờ ê-kíp phẫu thuật đã bóc tách lấy nguyên khối u trong não của người bệnh.
Sau vài ngày, bệnh nhân đã phản ứng tốt, tri giác cải thiện, sức cơ cải thiện, tự sinh hoạt, ăn uống được.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cung cho biết, đây là 1 trong 5 bệnh nhân có u não “quái dị” sử dụng hệ thống robot Modus V Synaptive. Đây hệ thống robot tiên tiến, hiện đại nhất trong ngành phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam./.