Thương binh Nguyễn Đức Sơn sinh ra và lớn lên ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1965, theo tiếng gọi của Đảng, ông xung phong lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1968, sau một trận càn quét của địch, ông bị thương ở tay, đùi, lưng và đến năm 1971 buộc phải xuất ngũ do sức khỏe không đảm bảo, rồi cùng gia đình lên Lai Châu sinh sống.
Với ông, niềm vui lớn nhất là luôn được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn quan tâm, thăm hỏi, chi trả đầy đủ các chế độ chính sách. Nguồn động viên kịp thời, lớn lao đó là động lực để ông tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, giữ vững phẩm chất bộ đội cụ Hồ và là tấm gương sáng để con cháu học tập, noi theo: "Các cấp chính quyền địa phương rất là quan tâm và quan tâm một cách rất là chu đáo, rất là tích cực. Với chúng tôi là những người đi trước, đã đóng góp cho Nhà nước, cho cách mạng, chúng tôi thấy rất là vinh dự và hài lòng. Cho nên là từ bản thân nghĩ là làm sao để xứng đáng với hình ảnh người bộ đội cụ Hồ. Trở về địa phương trở thành người dân, giáo dục con cái, giáo dục các cháu tập trung chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước".
Nhận thức rõ công tác đền ơn đáp nghĩa là tình cảm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, những năm qua thành phố Lai Châu luôn quan tâm, dành những điều tốt đẹp nhất cho người có công trên địa bàn.
Bà Vũ Thị Thúy, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Lai Châu cho biết: Địa phương hiện có gần 170 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng, hơn 40 gia đình thờ cúng liệt sĩ, gần 700 người hoạt động kháng chiến và làm nhiệm vụ quốc tế. Các đối tượng người có công đều được đơn vị chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước theo quy định: "Về chính sách người có công cũng đã được thực hiện rất nhiều nội dung, như là chính sách về quản lý, chi trả trợ cấp đối với người có công hàng tháng. Việc tiếp nhận hồ sơ, xử lý và thẩm định hồ sơ đảm bảo đúng, đủ đối tượng. Chúng tôi thực hiện đầy đủ chế độ điều dưỡng, chế độ bảo hiểm y tế đối, rồi là chế độ hỗ trợ nhà hoặc là thăm hỏi đối với người có công khi ốm đau, tử trần. Ngoài ra, hàng năm vào dịp 27/7, cũng như vào dịp tết Nguyên đán thành phố luôn thực hiện tốt công tác thăm hỏi, tặng quà".
Tỉnh Lai Châu hiện đang quản lý gần 8.000 hồ sơ người có công, trong đó có gần 650 đối tượng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong 3 năm qua, địa phương đã chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho gần 4.000 lượt người có công và thân nhân, với số tiền hơn 56 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa 34 nhà, với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương cũng tổ chức các đợt khám điều dưỡng phục hồi sức khỏe, thăm hỏi tặng quà, nâng cấp sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ... với số tiền hơn 22 tỷ đồng.
Ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: "Sở tiếp tục phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia Quỹ đền ơn đáp nghĩa; huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa trong công tác chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng. Đồng thời, lồng ghép các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, để tạo điều kiện cho người có công với cách mạng và thân nhân của họ được tham gia học nghề, tạo việc làm, nhằm nâng cao đời sống".
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn của một tỉnh nghèo biên giới, nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội ở Lai Châu luôn quan tâm tới công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chỉ trả đầy đủ, kịp thời các khoản trợ cấp đối với người có công. Không để người có công nào không được hưởng chính sách, địa phương quyết tâm huy động tối đa nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công.
Theo VOV