Hà Nội: Dành tặng hơn 120 nghìn suất quà tới người có công với cách mạng

Nguyễn Diệp Linh
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), TP sẽ dành tặng 121.215 suất quà tới đối tượng người có công và thân nhân, các tập thể và cá nhân tiêu biểu với số tiền khoảng 193 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách TP).

Dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thăm hỏi, tặng quà bảo đảm đúng chính sách, đúng đối tượng, công khai, dân chủ; huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người có công và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Hà Nội dự kiến trao 121.215 suất quà tới các đối tượng với tổng kinh phí là 192,888 tỷ đồng. Trong đó, mức quà cá nhân (bằng tiền mặt) 2.000.000 đồng/người tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, bệnh binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên.

Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi) và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp được tặng quà mức 2.000.000 đồng tiền mặt. Mức quà (bằng tiền mặt) 1.000.000 đồng/người tặng đại diện thờ cúng liệt sĩ (1 liệt sĩ/1 suất quà). Ngoài ra, TP Hà Nội cũng tặng quà các đơn vị, trung tâm nuôi dưỡng người có công, ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà một số đơn vị, cá nhân tiêu biểu...

Đáng chú ý, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu các địa phương tăng cường rà soát, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, trục lợi chính sách, chi trả tặng quà không đầy đủ theo quy định.

eadd80f824b5cdeb94a4-1689667184.jpg

Lãnh đạo TP Hà Nội thăm và tặng quà đối tượng Người có công tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Luận

 

Về công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch và có những chỉ đạo kịp thời, yêu cầu các đơn vị nhấn mạnh mục đích, thông qua hoạt động tuyên truyền nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ và tri ân công lao to lớn của các liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng; từ đó xác định trách nhiệm và có hành động thiết thực trong thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng thời, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhất là với thế hệ trẻ; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng”; động viên, hỗ trợ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp tích cực cho xã hội; phát huy tiềm năng to lớn trong xã hội để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, phù hợp với điều kiện thực tiễn; gắn với tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Cùng với việc tuyên truyền những thành tựu nổi bật trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công trong cả nước và Thủ đô Hà Nội, cần chú trọng biểu dương những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng vượt khó vươn lên, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương; phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp đỡ các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống...

Tuyên truyền các hoạt động thăm hỏi, tặng quà thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công và công tác quản lý, cải tạo, nâng cấp, trùng tu các khu di tích, các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn thành phố.

Được biết, tính đến hết tháng 6/2023, thực hiện các chỉ tiêu phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", toàn Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 21,4/22,9 tỷ đồng đạt 93,5% kế hoạch chung, dự kiến đến hết tháng 7/2023, các quận huyện, thị xã sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa TP giao.

Theo đánh giá chung của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng luôn được TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Đời sống của người có công không ngừng được nâng lên. Qua đó, thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân Thủ đô đối với người có công và thân nhân.

T/H