Kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế

Đặng Thu Hằng
Ngày 8/5 hàng năm là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu.

Ngày 24/6/1859 ở Solferino - một thành phố miền bắc nước Ý, cuộc giao chiến khốc liệt giữa lực lượng quân đội liên minh Pháp - Ý chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại trên chiến trường 40.000 người thương vong. Quân y của các bên tham chiến không đủ lực lượng để giải quyết tình trạng quá nhiều người bị thương. Vô tình chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên, một thương gia Thụy Sĩ tên là Henry Dunant đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào.

anh-man-hinh-2024-05-07-luc-143658-1715067442.png

Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong cuốn sách “Ký ức về Solferino”. Cuốn sách được hoàn thành năm 1862.

Trong cuốn sách, ông đưa ra 2 ý tưởng: Thành lập tại mỗi quốc gia một Hội Cứu trợ bao gồm những người tình nguyện, những người danh tiếng, những chính khách có tên tuổi để chăm sóc những người bị thương khi có chiến tranh; Vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ những binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.

Năm 1863, ý tưởng của Henry Dunant đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và việc thành lập các Hội quốc gia đầu tiên. Cũng năm đó, dấu hiệu phân biệt - chữ thập đỏ trên nền trắng - để nhận biết và bảo vệ những người giúp đỡ binh sĩ bị thương trên chiến trường đã được thông qua. Năm 1864, Công ước đầu tiên (“Công ước Geneva”) được các quốc gia thành viên thông qua.

Năm 1919, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thành lập. Ðến nay đã có 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế được thành lập là mốc quan trọng cho sự ra đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu.

Ðể ghi nhớ công lao của người sáng lập Phong trào, ngày sinh của Henry Dunant (8/5) đã được lấy làm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế. Năm 1948, Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế đầu tiên được chính thức tổ chức. Năm 1984, Ngày Chữ thập đỏ quốc tế được đổi tên thành Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Ðây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp toàn cầu.

8e5867c1-1801-4d9c-87cd-ad3aed471dab-1715067575.png

Chủ đề của Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế năm 2024 là “Gìn giữ tinh thần nhân đạo”. Thông điệp của Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế năm nay như một lời nhắc nhở sâu sắc về cam kết lâu dài của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nhằm đề cao tinh thần nhân đạo, giảm bớt đau thương và mở rộng trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa và khó tiếp cận.

Các thông điệp chính của Phong trào:
Thế giới đang gặp khủng hoảng: Đề cao tinh thần nhân đạo khi đối mặt với thách thức: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang và những thách thức không lường trước được trên thế giới, biểu tượng của Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ không chỉ là một dấu hiệu nhận diện đơn thuần mà còn tượng trưng cho lá chắn bảo vệ những người làm nhân đạo khi họ phải làm việc trong những điều kiện đầy khó khăn, thách thức để trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất.
Gìn giữ tinh thần nhân đạo: Ở những nơi khó khăn nhất, các tình nguyện viên Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ thể hiện sự trung lập, lòng nhân ái và sự tôn trọng nhân phẩm. Trong bối cảnh xung đột vũ trang leo thang và thiên tai, thảm họa ngày càng gia tăng, việc tiếp cận, trợ giúp những người dễ bị tổn thương càng trở nên khó khăn, nguy hiểm hơn. Tôn trọng biểu tượng là điều tối quan trọng cho phép các tình nguyện viên Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ tiếp cận các cộng đồng xa xôi, có nguy cơ cao - nơi nhu cầu viện trợ là cấp thiết nhất.
Hành động của địa phương trong cuộc khủng hoảng toàn cầu: Mặc dù những thách thức mà chúng ta gặp phải có quy mô toàn cầu, nhưng hoạt động ứng phó vẫn tập trung ở cấp độ địa phương. Các tình nguyện viên Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ gắn bó sâu sắc với cộng đồng, mang đến sự trợ giúp cho hàng triệu người mỗi năm thông qua các chương trình chăm sóc sức khỏe, nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai và các hoạt động hòa nhập xã hội. Cam kết của họ trong việc trợ giúp các nước láng giềng không thay đổi ngay cả trong bối cảnh thế giới đầy thách thức.
Thực trạng các cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày nay: Xung đột vũ trang, thiên tai và tình trạng y tế khẩn cấp đe dọa cộng đồng. Việc tôn trọng Luật Nhân đạo quốc tế ngày càng giảm sút cản trở việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu và làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ của những người dễ bị tổn thương nhất. Trong hoàn cảnh thảm khốc như vậy, tính trung lập, vô tư và cống hiến nhằm giảm bớt đau thương của con người là điều rất quan trọng, tuy nhiên việc tiếp cận những người gặp khó khăn vẫn là một thách thức lớn.
Thích ứng để trợ giúp ngay cả khi đối với mặt với thách thức không lường trước được: Bất chấp những trở ngại khó khăn, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ vẫn kiên trì sứ mệnh trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất. Để thích ứng với bối cảnh ngày càng gia tăng của các cuộc khủng hoảng nhân đạo, các phương pháp tiếp cận mới không ngừng được cải thiện để vượt qua các rào cản và cung cấp viện trợ ở những nơi cần thiết nhất. Cho dù thông qua việc khai thác các công nghệ mới hay đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu, cam kết phục vụ nhân loại vẫn kiên định ngay cả khi đối mặt với thách thức không lường trước được.

PV