Từ trận Điện Biên Phủ lịch sử, dân tộc Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước trước kẻ thù được coi là siêu cường, giàu có bậc nhất thế giới. Song không sức mạnh tàn bạo nào của bom đạn có thể ngăn được khát vọng, niềm tin thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình cháy bỏng của quân và dân ta. Khát vọng tự do, hòa bình và thống nhất đất nước chính là động lực để toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, vững bước trong cuộc đấu tranh gian khổ kéo dài trước kẻ địch giàu mạnh và tàn bạo bậc nhất. Tất cả niềm tin, khí thế ấy đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết nội sinh vô địch của dân tộc mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - là mốc son chói lọi, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công chiến lược binh chủng hợp thành có quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta. Chiến dịch được thực hiện trong tình huống hai bên mặt đối mặt, cùng biết rõ ý đồ và lực lượng của nhau, khó tạo nên yếu tố bất ngờ ngay cả trong phạm vi chiến thuật, do đó, là bước phát triển về nghệ thuật chỉ huy. Ta tiến công trên tất cả các hướng, tạo thành thế hợp vây ngay từ đầu, khiến địch chỉ còn cách chấp nhận tác chiến hoặc đầu hàng. Trong đột phá chiến dịch ta vừa đánh địch phòng ngự vòng ngoài, vừa dùng các binh đoàn mạnh thọc thẳng vào chiều sâu và đầu não địch, đánh quỵ địch nhanh chóng. Lần đầu tiên ta sử dụng bộ đội tăng thiết giáp tập trung ở quy mô binh đoàn (lữ đoàn), đảm nhiệm một hướng tiến công chủ yếu với tính chất là đoàn (lữ đoàn), đảm nhiệm một hướng tiến công chủ yếu với tính chất là cụm cơ động thọc sâu phát huy được sức đột kích nhanh và tăng cường khả năng tác chiến trong hành tiến. Về chỉ đạo chiến lược, ta đã kết hợp chiến dịch với tiến công chiến lược trên toàn chiến trường, giành thắng lợi hoàn toàn.
Về sự kiện lịch sử vĩ đại này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976) đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Cỏ đã lên xanh dưới chân Thành cổ Quảng Trị. Những cánh rừng thông, keo, cà phê, cao su, hồ tiêu... bạt ngàn đã phủ kín đồi Charly, thung lũng Ia Drang, Khe Sanh... Nhà cửa, bệnh viện, trường học, nhà máy, cầu cống, đường sá khang trang, hiện đại đã mọc lên nơi những hố bom năm xưa. Chứng tích chiến tranh tưởng như đã bị thời gian xóa nhòa, song di chứng của sự tàn khốc, hủy diệt vẫn để lại trên thân thể cũng như trong ký ức hàng triệu người Việt, hiện diện tại hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm khắp dọc dài đất nước.
Sau gần 50 năm, khí phách và khát vọng hòa bình của dân tộc từ dấu son lịch sử vẫn tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù không còn lửa đạn, nhưng ý chí kiên cường và quyết tâm hướng đến hòa bình, tự do vượt ra khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu vẫn thôi thúc mỗi con dân của nước Việt vươn lên không ngừng.
Chính vì vậy, gần nửa thế kỷ từ ngày non sông liền một dải, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường; đồng thời, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cùng với tư duy tiếp cận cách làm sáng tạo nổi bật, riêng có của Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Từ một nước nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, trong gần 40 năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới; tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9%. Bên cạnh đó, từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, Việt Nam thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD, đây là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy.
Cùng với quá trình cải cách và mở cửa, khả năng thích ứng và mức độ chống chịu của nền kinh tế ngày càng nâng cao. Giai đoạn vừa qua, với phương châm thích ứng an toàn, Việt Nam vững vàng vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và trở thành một điểm sáng về sự ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh tình trạng trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn.
Đây cũng chính là sự tri ân lớn nhất, có ý nghĩa nhất đối với những hy sinh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong suốt chiều dài lịch sử. Đồng thời cũng tiếp tục là niềm tự hào, động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu cho một tương lai tươi sáng, phồn vinh của đất nước.