Kon Tum: Nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn kém hiệu quả

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Nhiều công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều điểm nước sạch không còn hoạt động khiến hàng trăm hộ dân có nguy cơ rơi vào cảnh thiếu nước sạch để sinh hoạt.

Qua quá trình tìm hiểu được biết, trong giai đoạn 2010 - 2013, tỉnh Kon Tum đã đầu tư xây dựng và nâng cấp khoảng 350 công trình cấp nước tập trung, hàng chục nghìn giếng đào. Tuy nhiên, hơn 1/3 số công trình này hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.

Bà Y Lưng thôn Kon Hra, xã Đăk Ui, huyện Đắk Hà hàng ngày phải đi 2 km để tới nguồn nước mạch lấy nước về cho gia đình sinh hoạt. Mỗi lần gùi bà cho biết chỉ gùi được hơn chục lít chủ yếu dùng cho ăn uống. Còn giặt giũ phải đem ra tận sông xa nhà để giặt. Không chỉ riêng bà mà hàng ngày các hộ trong thôn cũng phải đi lấy nước như thế.

Công trình cấp nước sinh hoạt cho hơn 500 hộ dân tại xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà được đầu tư, xây dựng từ năm 2010 với mức đầu tư 7 tỷ đồng. Hiện nay, hệ thống đường ống bị hư hỏng, công trình không sử dụng được, bỏ hoang nhiều năm nay. Tại xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, các công trình nước sinh hoạt cộng đồng cho 180 hộ dân tại các thôn 1,2,3 của cũng bị hư hỏng phải bỏ không nhiều năm. Chính quyền quản lý nơi đây cho biết, bài toán khó nhất là huy động người dân tham gia hưởng lợi và tham gia bảo quản các công trình này.

Con số thống kê cho thấy, toàn tỉnh Kon Tum hiện có 360 công trình nước sinh hoạt nông thôn, trong đó có đến 81 công trình không hoạt động đến, 59 công trình hoạt động hiệu quả thấp, 97 công trình hoạt động cầm chừng.

Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Kon Tum, nguyên nhân các công trình nước sạch không sử dụng được hoặc sử dụng kém hiệu quả là do người dân còn ỷ lại vào Nhà nước, không bảo quản, giữ gìn, các địa phương chưa quyết liệt trong công tác quản lý điều hành. Một số địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quản lý vận hành các công trình cấp nước.

Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh còn hạn hẹp nên khó khăn trong công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên cũng như đảm bảo chi trả cho người làm công tác vận hành các công trình. Việc quản lý sau đầu tư của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn chưa chặt chẽ, công tác quản lý chưa được chú trọng. Đội ngũ cán bộ quản lý vận hành các công trình nước sinh hoạt chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên dẫn đến kém hiệu quả.

                                                                                                                                              Văn Minh

Văn Minh