Kiên quyết với vấn nạn lấn chiếm vỉa hè

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Đảo một vòng, dọc theo các tuyến đường, tuyến hẻm quanh chợ Bình Thới mới (quận 11, TP. Hồ Chí Minh), tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán đang diễn ra khắp nơi. Để chấm dứt được tình trạng này, rất cần sự kiên quyết của các cấp chính quyền mới có thể giải quyết một cách triệt để…

Đã từ lâu, khu vực xung quanh chợ Bình Thới mới là một điểm nóng về trật tự đô thị Quận 11. Thử một vòng qua các tuyến đường như: xóm Đất, Lạc Long Quân, Hàn Hải Nguyên, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, sẽ thấy cảnh các vỉa hè đều biến thành chỗ để buôn bán… Đặc biệt, Hẻm 385 đường Minh Phụng gần như chuyển thành địa điểm để hàng nhếch nhác, chật chội, không có chỗ cho xe lưu thông. Cảnh lộn xộn, ùn tắc cục bộ vào giờ sáng hay các giờ cao điểm xảy ra thường xuyên. Các hộ nhà mặt tiền buôn bán từ trái cây, thịt cá, quần áo,… đến quán ăn, cà phê, tiệm tạp hóa... cùng nhau đổ xô lấn chiếm vỉa hè.

IMG_2094
Quận 11 kiên quyết với vấn nạn lấn chiếm vỉa hè.

Và không chỉ có các hộ này, nhiều người bán hàng rong, xe đẩy cũng tranh nhau giành đường đi. Ông Khải, nhà ở gần khu vực này bức xúc cho biết: “Vỉa hè dùng để đi bộ nhưng từ lâu đã bị những người kinh doanh cố định lẫn hàng rong lấn chiếm.”

Để trị căn bệnh lấn chiếm vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, các ngành chức năng của quận 11 đã nhiều lần ra quân, xử phạt các hộ kinh doanh, thu giữ phương tiện hành nghề buôn bán nhỏ, hàng rong… Thế nhưng, giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, chỉ cần chính quyền địa phương lơ là, giảm tần suất kiểm tra là vỉa hè lại bị chiếm dụng ngay lập tức.

Theo ông Hòa, một cư dân sống ở đây lâu năm cho biết: Việc dọn dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tiến hành thường xuyên, thế nhưng vẫn chưa hiệu quả. Ông Hoà dẫn chứng: Từ khi dẹp chợ Bình Thới cũ, hẻm 385 trở thành điểm “nóng” lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán. Mặc dù, đủ các lực lượng như công an, dân phòng, trật tự, quản lý đô thị thường xuyên tổ chức tuần tra, làm thoáng lòng đường, vỉa hè, thế nhưng chỉ ngay sau khi các lực lượng vừa rời đi, tình trạng đâu lại vào đấy.

Nhiều người cho rằng, ngoài lý do nhiều hộ kinh doanh chây ỳ không chịu nộp phạt, việc xử phạt những đối tượng ‘buôn thúng bán bưng’ - những người nhập cư, người nghèo là rất khó. Đa phần họ tìm mọi cách bám vỉa hè để mưu sinh.

IMG_2090
Từ đầu tháng 4 này, Quận đã có kế hoạch cụ thể và kiên quyết trong công tác dẹp lòng lề quanh khu vực chợ.

Theo lời bà Nguyễn Thị Bích Thuận- Trưởng ban Quản lý chợ Bình Thới cho biết, từ đầu tháng 4 này, Quận đã có kế hoạch cụ thể và kiên quyết trong công tác dẹp lòng lề quanh khu vực chợ. Việc này giúp cho tiểu thương trong chợ yên tâm hơn không còn tâm lý bỏ chợ.

Cụ thể, từ đầu năm 2018, Quận đã có chủ trương thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người dân, các chủ nhà quanh khu vực chợ và những tiểu thương buôn bán ngoài cũng như trong chợ. Tập trung tuyên truyền cho các đối tượng có ý thức tốt… tuyên truyền nhiều lần, thực hiện làm cam kết với các chủ hộ và tiểu thương.

Ngoài ra, phường còn tiến hành kẻ vạch sơn trên khắp các tuyến phố, xây dựng tuyến hẻm 385 Minh Phụng tự quản về trật tự đô thị, xây dựng thành những cụm tự quản, mỗi cụm tự quản có thành viên chủ chốt là chủ nhà với 2, 3 tiểu thương.

Những người được lựa chọn là những người gương mẫu, có uy tín để nhắc nhở các tiểu thương khác cùng thực hiện. Bên cạnh đó, việc tuần tra đôn đốc, xử lý về trật tự đô thị được đặt lên hàng đầu, liên tục ra quân tất cả các ngày trong tuần, làm trong thời gian dài cho đến khi dứt điểm tình trạng mất trật tự đô thị…

Đây cũng là tin vui, điều mong đợi không chỉ ở các tiểu thương chợ Bình Thới mới mà còn là sự hy vọng của quần chúng nhân dân quận 11 nói chung.

Phải nói cho dân hiểu

Trao đổi với PV Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống, ông Trương Quốc Cương- Phó Chủ tịch UBND Quận 11 cho biết: Khi quyết định dẹp buôn bán, lấn chiếm vỉa hè thì phải giải thích cho người dân để họ đồng thuận hy sinh lợi ích nhỏ, trước mắt vì lợi ích lớn, lâu dài của cộng đồng.

Đơn cử, khi dẹp vỉa hè một đoạn đường, chính quyền họp tổ dân phố ở khu vực đó để phân tích lợi - hại cho người dân hiểu thì hiệu quả mới lâu dài. Nếu chỉ dẹp theo phong trào, người dân không đồng thuận thì khi lực lượng chức năng đi rồi, họ lại bày ra. Chính quyền cũng không đủ lực lượng để đứng canh từ ngày này qua ngày khác nên cần những biện pháp căn cơ. Vì thế, dẹp lòng lề đường là công tác vô cùng phức tạp, cần sự đồng bộ, kiên quyết và bền bỉ từ cả người dân và các cấp chính quyền.

Nguyễn Tùng