Kiên Giang: Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống

Đặng Thu Hằng
Đợt mưa lớn xảy ra trên diện rộng kèm lốc xoáy ở Kiên Giang đã làm gần 200 nhà dân sập, tốc mái thiệt hại hơn 2,6 tỉ đồng, nhiều người bị thương, tàu đánh cá bị chìm, cây xanh đổ, ngã, các tuyến đường bị ngập...

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ đêm 28 đến trưa 31/7, khu vực tỉnh Kiên Giang xảy ra mưa lớn, dông, lốc làm bị thương 13 người ở 3 huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng; gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân, ước tính ban đầu hơn 8,5 tỷ đồng.

nha-sap-go-quao-1690785936.jpeg
Gần 200 ngôi nhà của người dân bị sập, tốc mái do mưa dông, lốc xoáy. Ảnh: Công an Kiên Giang

Cụ thể, mưa lớn, dông, lốc đã làm thiệt hại 226 căn nhà, trong đó đổ sập 82 nhà, tốc mái 144 nhà dân ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương và Vĩnh Thuận; ước thiệt hại ban đầu hơn 7 tỷ đồng. Mưa lớn, dông, lốc còn gây đổ ngã nhiều cây xanh tại các huyện, thành phố và ngập úng cục bộ một số tuyến đường nội ô thành phố Rạch Giá, làm đổ ngã 14 trụ điện ở 2 huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng; ước thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng

Mặt khác, thiên tai làm đổ khoảng 1.000 ha lúa Hè Thu 2023 ở huyện Châu Thành, ngập úng 134 ha lúa ở huyện Gò Quao. Tại 2 huyện Giồng Riềng và Châu Thành, mưa lớn kéo dài gây ngập úng 4.288 ha lúa Thu Đông 2023, tổn thất từ 30-100%. Ngoài ra, khoảng 120 ha rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp trên địa bàn các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao bị ngập úng, thiệt hại nặng.

Do thời tiết diễn biến phức tạp, Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang tạm ngừng hoạt động các tuyến Rạch Giá - Nam Du, Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc và ngược lại kể từ 6 giờ ngày 27/7 đến 6 giờ ngày 30/7. Riêng tuyến Rạch Giá - Hòn Sơn (Kiên Hải) và ngược lại hoạt động bình thường.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, Chi cục Thủy lợi chủ động mở các cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành mở tất cả các cửa cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp. Lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai và tổ chức thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại.

Hiện nay, các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai đã tạm ứng một phần ngân sách của huyện để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại với tổng số tiền 695 triệu đồng và tổ chức xác minh, tiến hành các thủ tục trình UBND tỉnh chi hỗ trợ từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh cho các hộ dân, góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, ngày 31.7, toàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn có mưa rào, có nơi kèm dông, sét. Dù tình hình mưa lớn và dông lốc trên địa bàn đã giảm dần, tuy nhiên đã gây thiệt hại khá nhiều về người và của.

Cũng trong hôm qua 30.7, các tuyến phà, tàu cao tốc từ đất liền đi các đảo của Kiên Giang (và ngược lại) đã được cấp phép hoạt động trở lại sau 3 ngày tạm ngưng hoạt động vì thời tiết xấu.

T.H.