Người đàn ông có khối u chiếm gần hết ruột vì sở thích uống rượu, ăn tiết canh

Đặng Thu Hằng
Người đàn ông có khối u chiếm gần hết chu vi lòng ruột có tiền sử uống rượu bia hơn 30 năm, lại còn "đam mê" ăn tiết canh, thịt đỏ, thịt nướng, lòng và phủ tạng động vật…

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, cho biết vừa phẫu thuật cho một bệnh nhân đặc biệt với nhiều khó khăn so với suy tính ban đầu.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng bán tắc ruột, đại tiện rất khó khăn kèm theo ra máu. Kết quả hình ảnh nội soi cho thấy khối u rất lớn chiếm quá 3/4 chu vi lòng đại tràng sigma khiến ống nội soi không thể đi qua để quan sát các phần còn lại của đại tràng (đại tràng trái, phải, ngang).

Bác sĩ Nam cho hay bệnh nhân cao 1,7 m nhưng chỉ nặng 48-50 kg, lớp mỡ nội tạng nhiều và tổ chức mô, cơ quan lỏng lẻo, kém chắc và rất dễ chảy máu. Đây là biểu hiện của một người lạm dụng rượu bia kéo dài hoặc có thể đã sử dụng các thuốc chống viêm Corticoid không có sự kiểm soát thích hợp.

anh-chup-man-hinh-2022-11-17-luc-64540-sa-203-1668709001.png
Bác sĩ Hải Nam thăm khám cho bệnh nhân sau mổ. (Ảnh: BSCC)

Người nhà cho biết bệnh nhân có tiền sử uống rượu bia trên 30 năm nay, từ vài chén đến gần 1/2 lít rượu mỗi ngày. Bên cạnh đó, người đàn ông này cũng có sở thích ăn nhậu, tiết canh, thịt đỏ, thịt nướng, lòng và phủ tạng động vật…

Người bệnh cũng rất thường xuyên sử dụng thuốc tự mua tại các cửa hàng thuốc mà không qua khám tại các cơ sở y tế hay có đơn của bác sĩ. Ông tự “chẩn đoán bệnh” cho bản thân rằng mình bị viêm khớp, viêm dạ dày, viêm phổi, cảm cúm… thông qua người bán thuốc.

"Đây rõ ràng vẫn là thói quen gặp phải ở rất nhiều người Việt Nam, nhất là ở đàn ông. Đó đều là những thực phẩm rất độc hại khi xâm nhập vào cơ thể trong một thời gian dài. Chỉ đến khi khối u đã to chiếm gần hết chu vi lòng ruột, mỗi đêm đều đi vệ sinh tới 4-5 lần mà vẫn khó khăn, gây nên cơn đau dai dẳng, người bệnh mới nghĩ tới việc đi khám", bác sĩ Hải Nam nói.

Tình trạng tắc ruột trước mổ cũng gây khó khăn tăng thêm cho ê-kíp phẫu thuật. Lòng ruột của người bệnh chứa đầy phân đặc, quánh, nhất là phần đại tràng, phẫu trường chật chội, dụng cụ hạn chế.

"Chúng tôi vẫn kiên trì tới cùng với phương án cắt đoạn ruột, nối ngay để tránh cho người bệnh phải mang túi hậu môn nhân tạo.

Chỉ cần sơ sẩy chút sẽ có nguy cơ phân, chất tiết tiêu hoá trào ra gây nhiễm trùng ổ bụng. Ca mổ kéo dài tới 5 tiếng so với dự tính chỉ 2-3 tiếng ban đầu. May mắn, ca phẫu thuật thành công, người bệnh có thể rời khỏi phòng mổ an toàn", bác sĩ Nam kể lại.

Sau ca mổ, bác sĩ cũng trao đổi với người nhà về diễn biến và những rủi ro, biến chứng có thể phải đối mặt trong suốt quãng thời gian hậu phẫu. Đó là nguy cơ chảy máu, suy hô hấp, viêm phổi và đặc biệt là biến chứng rò miệng nối đại-trực tràng.

Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1 cho rằng trên thực tế vẫn còn nhiều người giữ thói quen trong sinh hoạt, ăn uống độc hại như trường hợp bệnh nhân này.

T.H.