Hà Nội: Một người đàn ông nhập viện cấp cứu sau khi ăn tiết canh, lòng lợn

Đặng Thu Hằng
Bệnh viện Quân y 103 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn do ăn tiết canh, lòng lợn.

Cụ thể, một người đàn ông 48 tuổi quê xã Cao Viên, huyện Thanh Oai đi ăn tiết canh lòng lợn ở một quán ăn tại phố Đồng Hoàng, Đồng Mai, quận Hà Đông. Hai ngày sau ông sốt cao, đi khám và điều trị tại trạm y tế nhưng không đỡ.

Thấy bệnh nhân đau đầu nhiều, giảm nhận thức, cơ sở y tế này chuyển ngay bệnh nhân lên Bệnh viện Quân y 103 một ngày sau đó. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm dịch não tủy, nuôi cấy phát hiện bệnh nhân dương tính với Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn). Bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị theo phác đồ và hiện tại sức khoẻ đã ổn định trở lại.

anh-chup-man-hinh-2022-09-19-luc-084624-1-225-1663555931.png
Một bệnh nhân điều trị nhiễm liên cầu lợn tại BV Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Vietnamnet)

Trước đó vào tháng 02/2022 Khoa Bệnh Nhiệt Đới – Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí có tiếp nhận trường hợp người bệnh T.V.Q. vào khoa trong tình trạng lơ mơ, kích thích, không tiếp xúc được. Người bệnh có tiền sử nghiện rượu, ăn tiết canh dê 1 tuần trước ngày vào viện. Bác sĩ đã tiến hành chọc dịch não tủy, cấy máu làm chẩn đoán xác định người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Streptococus Suis (Liên cầu lợn).

Hiện nay các bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn thực phẩm chưa chín, điển hình như tiết canh là một tình trạng đáng báo động.

Bộ Y tế cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là: Viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Bệnh diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%.

Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, đường tiêu hoá và cơ quan sinh dục của lợn. Khuẩn này có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.

tiet-canh-khong-bo-mau-lai-them-nhiem-trung-1663377476216-1663556080.jpg
Ăn tiết canh rất dễ bị nhiễm liên cầu lợn. (Ảnh minh hoạ)

Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông tin: "Bệnh liên cầu lợn diễn biến nặng rất nhanh. Chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Điều trị bệnh liên cầu lợn cũng rất khó khăn, người bệnh thường phải nằm ở khoa hồi sức tích cực trong vài tuần. Thậm chí, nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt".

Nhiều chuyên gia cảnh báo, bất kể giống lợn nào kể cả lợn nhà nuôi, lợn cắp nách, lợn thả rông đều chưa chắc đã sạch. Vì dù có được chăn nuôi trong điều kiện nào thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%.

Để phòng bệnh, theo BS Phúc, người dân không nên giết mổ lợn trong điều kiện chưa đảm bảo vệ sinh, không ăn thịt lợn sống, chưa chín kĩ hoặc các món tái, tiết canh. Người dân cũng không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Thu Hằng