Những ngày gần đây Hải Dương được nhắc đến là một địa phương có những điểm đen về tai nạn giao thông với những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến quốc lộ 5. Nằm trong chương trình phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, để nắm rõ tình hình hoạt động sơ cấp cứu ở Hải Dương, ngày 9/8, đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Phó chủ tịch Trung ương Hội Trần Thị Hồng An làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc và khảo sát trực tiếp địa điểm thành lập Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tại các điểm đen về tai nạn giao thông tại Hải Dương.
Tai nạn giao thông trên quốc lộ 5 mối nguy rình rập
Quốc lộ 5 đi qua địa phận tỉnh Hải Dương dài hơn 44km. Dù là tyến đường huyết mạch có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn, quốc lộ 5 đã được đưa vào khai thác sử dụng từ lâu, sau nhiều lần sửa chữa nâng cấp nhưng đến nay cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp nhiều nơi, mặt đường trồi lún ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia vừa công bố số liệu thống kê về tình hình tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 5 mới thực sự khiến dư luận bàng hoàng. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tuyến quốc lộ 5 xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông, làm chết 53 người và bị thương 32 người. Trong đó, đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Hải Dương xảy ra đến 27 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người và bị thương 24 người.
Các điểm sơ cấp cứu đã hoạt động thế nào?
Trao đổi về tình hình hoạt động sơ cấp cứu của Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Văn Thế - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương cho biết: Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã làm khá tốt hoạt động sơ cấp cứu. Giai đoạn 2006-2009, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu Quốc lộ 5” do Đoàn Y tế Tây Bắc Mỹ tài trợ đã thành lập được 7 trạm và 5 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ. Trong suốt thời gian hoạt động, các trạm, điểm sơ cấp cứu đã sơ cấp cứu cho hàng chục nghìn người bị tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Từ năm 2006, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sơ cấp cứu và tổ chức 8 lớp tập huấn để nâng cao năng lực sơ cấp cứu cho tình nguyện viên tại các trạm, điểm từ nguồn kinh phí của Dự án trên.
Giai đoạn 2010-2016, mặc dù không được bố trí kinh phí hỗ trợ các trạm, điểm sơ cấp cứu vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, cứu giúp, sơ cấp cứu cho nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Kim Thành, tuyến quốc lộ 5.
Tuy nhiên, từ năm 2017, các trạm, điểm sơ cấp cứu trên tuyến giao thông quốc lộ 5 giải thể với lý do các trạm, điểm sơ cấp cứu hiện nay thành lập không đúng quy định, chưa được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Bộ Y tế.
Cần sớm khôi phục lại ngay các điểm sơ cấp cứu
Qua khảo sát thực tế, Phó Chủ tịch Trần Thị Hồng An đánh giá Hải Dương là tỉnh từ nhiều năm nay hoạt động sơ cấp cứu làm rất tốt. Đây có thể nói là thế mạnh của Hội bởi Hội đã có sẵn trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ được đào tạo kỹ và bài bản. Hội lại có nhiều mô hình tập thể và cá nhân làm rất tốt hoạt động này, đã được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao. Việc dừng 12 điểm sơ cấp cứu với đội ngũ 150 tình nguyện viên của Hội thời gian qua là vô cùng đáng tiếc. Vì thế, thời gian tới, tỉnh cần tập trung đầu tư để đưa hoạt động này thành một trong những hoạt động trọng tâm, thế mạnh tiềm năng của Hội.
Trước tình hình thực tế, thời gian qua Hải Dương nổi lên là tỉnh có nhiều điểm đen về tai nạn giao thông, Phó Chủ tịch Trần Thị Hồng An thống nhất với đề xuất của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương cần khẩn trương rà soát khôi phục, thành lập mới các trạm, điểm sơ cấp cứu trên quốc lộ 5 đặc biệt là trên địa bàn huyện Kim Thành- nơi có nhiều điểm đen về tai nạn giao thông; các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh và các tuyến đường có nhiều phương tiện giao thông, hay xảy ra tai nạn.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Trần Thị Hồng An đề nghị Hội Chữ thập đỏ Hải Dương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, văn hoá giao thông, sự kiên trì, nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông, đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi tham gia giao thông đối với thanh thiếu niên, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp. Tỉnh cũng cần sớm thành lập mạng lưới câu lạc bộ, Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ thực hiện tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông.
Phó Chủ tịch Trần Thị Hồng An lưu ý tỉnh Hội cần sử dụng bộ tài liệu sơ cấp cứu chuẩn mà Trung ương Hội đã ban hành. Quan tâm tập huấn tình nguyện viên, hướng dẫn viên. Hội cũng cần quan tâm khai thác để hoạt động sơ cấp cứu còn là một hoạt động dịch vụ có thu như tập trung đào tạo sơ cấp cứu công nhân trong các khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay phối hợp với ngành giáo dục đào tạo tạo tạo kỹ năng cho các em học sinh. Hội cũng phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tôn vinh, khen thưởng những điển hình tốt, những mô hình hay, sử dụng tình nguyện viên hiến máu là tình nguyện viên sơ cấp cứu.
Ngay sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hội Hải Dương, Phó Chủ tịch Trần Thị Hồng An và Đoàn công tác đã trực tiếp xuống khảo sát địa điểm lập điểm sơ cấp cứu ở ngã ba thôn Lai Khê, xã Cộng Hoà, huyện Kim Thành.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim thành Phạm Duy Đông cho biết: Riêng địa bàn huyện Kim Thành có 18,5 km quốc lộ 5 đi qua và có tới 16 điểm rẽ ngang sang quốc lộ 5. Trước đây ở Kim Thành có 2 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ hoạt động rất tốt, mỗi năm cấp cứu cho hàng chục vụ tai nạn, sơ cấp cứu kịp thời hàng trang người. Từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, 2 điểm sơ cấp cứu hoạt động cầm chừng. Vì vậy, ông Đông đề xuất cần thành lập 4 điểm sơ cấp cứu ( 2 điểm cũ khôi phục và thành lập 2 điểm mới). Nếu 4 điểm sơ cấp cứu trên được đưa vào hoạt động sẽ đảm bảo thông suốt, liên kết cấp cứu kịp thời trong toàn tuyến.
Tại đây, bác Bùi Oang Cao, hội viên CTĐ chi hội CTĐ xã Cộng Hoà cho biết: Tại ngã ba thôn Lai khê này, mật độ phương tiện giao thông đi lại rất lớn, xe công ten nơ, người dân đi chợ, học sinh đi học, công nhân đi làm vào tầm 7-8 giờ sáng nườm nượp nên chỉ sơ sểnh một chút là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Tháng nào ở đây cũng có vài vụ tai nạn rất đau lòng. Mỗi khi có tai nạn, anh em xe ôm bên đường lại xúm vào cứu người bị nạn. Nhà tôi ở ngay bên đường, chứng kiến những vụ tai nạn đau lòng rất xót xa. Vì thế, ngay khi được Hội Chữ thập đỏ huyện đề nghị thành lập điểm sơ cấp cứu tại nhà mình bác Cao bày tỏ: “Cứ làm được việc gì giúp người bị nạn là chúng tôi luôn sẵn lòng “.
Phó Chủ tịch Trần Thị Hồng An đề nghị Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương, trong thời gian tới cần làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để hoạt động sơ cấp cứu thực sự là một lĩnh vực trọng tâm và mạnh của Hội. Phó Chủ tịch Trần Thị Hồng An khẳng định trong quá trình triển khai thực hiện thành lập các điểm sơ cấp cứu hoặc tổ chức dịch vụ sơ cấp cứu, nếu có những khó khăn, vướng mắc gì Hội cần mạnh dạn đề xuất với Trung ương Hội để nhanh chóng tháo gỡ với mục tiêu cao nhất là làm sao đưa hoạt động sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ Hải Dương nâng cao hiệu quả cả về chất và lượng, thực sự là hoạt động hữu ích với người dân và cộng đồng.