Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Trước giờ khai mạc kỳ họp, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp).
Quốc hội cũng xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết, đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay; Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật; 03 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác.
Thứ hai, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, qua đó đánh giá chất lượng và những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, nhất là công tác dự báo, dự toán ngân sách nhà nước. Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2024, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội…; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình trong nước, thế giới và khu vực để đánh giá đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số nội dung quan trọng khác.
Về giám sát tối cao, theo Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét, thông qua các nghị quyết về
Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025. Báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp xem xét, thảo luận cùng các nội dung liên quan.
Về công tác nhân sự, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.
Ông Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.