Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn báo cáo mới được công bố của Cơ quan Khí tượng Israel (IMS) ghi nhận đợt sóng nhiệt giữa tháng 8 đã đẩy nhiệt độ trung bình ở các địa phương của nước này lên mức “cực đoan”. Trong đó, ở các khu vực miền núi, nhiệt độ đo được trung bình là 38-40 độ C; ở các khu vực gần Hồ Galilee, Biển Chết và Arava (sa mạc Negev), nhiệt độ lên đến 45-47 độ C; dọc các địa phương ven biển Địa Trung Hải, bao gồm thành phố Tel Aviv, nhiệt độ trung bình là 32-33 độ C.
Nền nhiệt cao gây ra bởi các đợt sóng nhiệt, theo định nghĩa thường kéo dài 4-5 ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các đợt sóng nhiệt đang xuất hiện ngày càng dày đặc hơn và kéo dài hơn. Theo nghiên cứu hồi tháng 2/2023 do các chuyên gia Đại học Hebrew of Jerusalem thực hiện, dự báo số lượng sóng nhiệt tại Israel sẽ tăng 7 lần vào cuối thế kỷ này, trong đó, nền nhiệt sẽ tăng thêm 10 độ C. Đặc biệt, ở khu vực Trung Đông, nền nhiệt sẽ tăng mạnh và kéo dài không chỉ hàng tuần mà lên tới hàng tháng. Số trường hợp tử vong do sóng nhiệt tại Israel, hiện ghi nhận ở mức trung bình là 30 ca/năm, sẽ tăng gấp 11 lần lên 330 ca/năm.
Trước cảnh báo của giới khoa học, ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ Israel đã triển khai nhiều biện pháp đối phó, với sự tham gia của các cơ quan hữu quan trong mọi lĩnh vực. Cuối tháng 3, Bộ Quốc phòng phối hợp với Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia và Cơ quan Khí tượng đã đệ trình báo cáo tổng hợp, dự báo tình huống thời tiết cực đoan để các cơ quan liên quan có sự chuẩn bị. Báo cáo nhận định trong khoảng thời gian từ tháng 6-9, mỗi tháng sẽ xảy ra 2 đợt sóng nhiệt, kéo dài 4 ngày, với nhiệt độ cao nhất lên đến 49 độ C, khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng 10%, tỷ lệ tử vong do nắng nóng tăng 8,5% và số lượng các vụ hỏa hoạn cũng tăng mạnh. Báo cáo đề nghị các cơ quan cần có sự chuẩn bị từ sớm để đối phó trong lĩnh vực phụ trách, đồng thời tăng cường công tác phối, kết hợp.
Các cơ quan khác như Cục Khí tượng (thuộc Bộ Giao thông), Bộ Y tế, Cảnh sát, Điện lực, Cứu hỏa, chính quyền các đô thị lớn… đẩy mạnh công tác truyền thông đối phó khủng hoảng thời tiết. Trước mỗi đợt sóng nhiệt, trên trang web của các bộ ngành và chính quyền địa phương đều đưa ra cảnh báo cho người dân áp dụng các biện pháp chống nóng, như tránh ra ngoài nếu không thực sự cần thiết, sử dụng hiệu quả các thiết bị điện, sử dụng tối đa rèm che nắng, sơn tường bằng các gam màu sáng, giảm chặt phá cây xanh… Các phần mềm ứng dụng và mạng xã hội như Whatsapp, Facebook, Telegram, X (tiền thân là Twitter) được khai thác triệt để cho công tác tuyên truyền, nơi người dân có thể tiếp cận dễ dàng và thuận tiện nhất.
Theo giới khoa học, biến đổi thời tiết là hiện tượng diễn ra trên toàn cầu, khó có biện pháp ngăn chặn triệt để và riêng lẻ, vì vậy, đóng góp của mỗi cá nhân dưới góc độ người tiêu dùng sẽ có vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu những tác động của hiện tượng này. Ví dụ, giảm thiểu việc sử dụng ô tô và phương tiện cá nhân (giao thông là thủ phạm gây ra 27% lượng khí nhà kính) hoặc các sản phẩm từ động vật (ngành chăn nuôi chiếm 18% lượng khí nhà kính). Bên cạnh đó, người dân được khuyến khích sử dụng các vật liệu sáng màu cho mái nhà và rèm che nắng, qua đó giảm được lượng nhiệt hấp thụ tại các thành phố đông dân cư.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống nắng nóng, Chính phủ Israel, thông qua các cơ quan chức năng, đã chủ động áp dụng nhiều sáng kiến khoa học, khuyến khích các giải pháp công nghệ từ các tổ chức và doanh nghiệp. Trung tâm Thông tin Biến đổi Khí hậu được Bộ Bảo vệ Môi trường Israel thành lập hồi tháng 3/2011 với nhiệm vụ hoạch định chính sách quốc gia về lĩnh vực này; đồng thời làm cầu nối giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp sáng tạo nhằm hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng. Sau nhiều năm phát triển, trung tâm này không chỉ là nơi cung cấp thông tin từ các công trình nghiên cứu khoa học tới kinh nghiệm phổ thông, mà còn đặt mục tiêu cung cấp những giải pháp thương mại cho các nước khác.
Ngoài ra cũng cần nhắc đến vai trò của Trung tâm Dự báo Khí tượng do Bộ Giao Thông và An toàn Đường bộ Israel thành lập, nơi cung cấp các dự báo ảnh hưởng của diễn biến thời tiết tới các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, giao thông, nước sạch, cháy rừng… Mới đây, ngày 13/7, Bộ này đã ra mắt trang web cung cấp các thông tin thời tiết kèm mức độ cảnh báo, cập nhật hàng giờ đối với toàn bộ 80 địa phương và 73 điểm du lịch lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, phần mềm thông tin do Bộ Bảo vệ Môi trường Israel phát triển đã tích hợp các số liệu về địa chất, khí hậu, mật độ dân cư, diện tích cây xanh để từ đó đưa ra những khuyến nghị và cảnh báo hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Gần đây, Bộ Quốc phòng Israel cũng đã bổ sung các thông tin cập nhật về các đợt sóng nhiệt trong mùa Hè vào phần mềm “Bản đồ nguy cơ an ninh” quốc gia.
Israel có khí hậu đặc trưng của vùng Địa Trung Hải với mùa Hè kéo dài, nhiều nắng nóng, lượng mưa thấp, nên nước này rất quan tâm tới trồng cây để giảm nhiệt. Trong đó phải nhắc đến vai trò của Quỹ KKL-JNF, tổ chức phi chính phủ của người Do Thái với tuyên bố đã trồng được 240 triệu cây trên khắp Israel. Chuyên gia Doron Markel của KKL-JNF cho rằng “không ngạc nhiên khi ngày càng chứng kiến các đợt sóng nhiệt nhiều hơn và cực đoan hơn. Phá rừng làm giảm 10% khả năng của Trái Đất hấp thụ khí thải CO2 phát ra từ hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch”. Gần đây, KKL-JNF đã thành lập chương trình cung cấp 36 suất học bổng tiến sĩ nghiên cứu về các giải pháp năng lượng bền vững, giảm khí nhà kính, phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng…
Liên quan đến trồng cây chống nóng cho các đô thị, đầu năm 2022, Chính phủ Israel đã thông qua mục tiêu trồng khoảng 450.000 cây xanh dọc theo khoảng 3 triệu mét đường tại các thành phố đến năm năm 2040, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 2,25 tỷ NIS (700 triệu USD). Cũng theo kế hoạch này, Israel phấn đấu các tuyến phố chính sẽ đạt mật độ 70% có bóng cây che phủ trên vỉa hè cho người đi bộ; chính quyền các địa phương sẽ phải xây dựng và công bố kế hoạch phát triển rừng đô thị bao gồm tầm nhìn và chiến lược thúc đẩy cây xanh đường phố đến năm 2030.
Theo thống kê, hơn 90% dân số Israel hiện sống ở các đô thị. Việc trồng cây không những khai thác bóng mát cho các hoạt động ngoài trời, mà còn góp phần cải thiện chất lượng không khí. Bộ Môi trường Israel nhận định một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu là các đô thị với tình trạng nắng nóng. Vì vậy, các thành phố phải cần nhiều bóng mát hơn, nhiều cây xanh hơn và nhiều giải pháp dựa vào thiên nhiên hơn. Bộ này sẽ phối hợp tác với các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương để thúc đẩy việc trồng cây xanh trên đường phố, biến các trung tâm thành phố thành những nơi xanh, rợp bóng mát và năng động quanh năm.
Theo tổ chức Aardvark, trong hơn 1 thế kỷ qua, Israel đã trồng thêm được khoảng 250 triệu cây xanh và đây là quốc gia duy nhất trên thế giới trong thế kỷ 20 có diện tích cây xanh tăng lên. Năm 1948, khi Nhà nước Israel ra đời, chỉ có khoảng 2% diện tích đất nước được bao phủ bởi cây xanh và con số này hiện đã tăng lên khoảng 8,5%.