Tham dự Hội thảo có bà Bùi Thị Hòa – Chủ tịch Trung ương Hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Chủ tịch các tỉnh/thành Hội; bà Hồ Thị Mộng Thu – Phó Giám đốc Quỹ XHTT Tâm Nguyện Việt; ông Võ Đức Chiến – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Công ty cổ phần sự kiện Cường An; Đại diện Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của ông Phouthoune Moungpak - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Lào.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Bùi Thị Hòa – Chủ tịch Trung ương Hội cho biết: Sơ cấp cấp ban đầu là một trong 7 lĩnh vực hoạt động Chữ thập đỏ góp phần quan trọng tạo ra hình ảnh, vị thế của Hội Chữ thập đỏ trong cộng đồng xã hội. Sơ cấp cứu tại cộng đồng được xem là có vai trò tiên quyết trong việc cứu sống tính mạng và khả năng phục hồi của nạn nhân sau này; góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong, giảm bớt gánh nặng về chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình. “Chính vì vậy sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và hoạt động thiết thực được Hội Chữ thập đỏ các cấp triển khai thực hiện trong thời gian qua”, bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.
Trung ương Hội đã hoàn thiện tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ. Tài liệu đã được Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt năm 2018 và ban hành sử dụng thống nhất trong toàn Hội. Tính từ năm 2019, đã có gần 200 tập huấn viên sơ cấp cứu được chuẩn hóa và đào tạo mới, trong đó 113 người đã được Trung ương Hội cấp Giấy chứng nhận và Thẻ tập huấn viên sơ cấp cứu.
Nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp Hội đã tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho gần 660.000 người, tương đương khoảng 0,78% dân số, truyền thông phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu cho hơn 2,7 triệu lượt người, tương đương khoảng 2,9% dân số, vượt chỉ tiêu Đại hội X đề ra. Các trạm/điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tiếp tục được chuẩn hóa theo quy định, đã có 6 trạm, 536 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ được cấp phép hoạt động.
Tại Hội nghị đã tập trung nghiên cứu, thảo luận 3 vấn đề cơ bản: Thống nhất nhận thức về sự cần thiết và hiểu rõ cơ sở pháp lý của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong hoạt động sơ cấp cứu; Mô hình Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu hiện nay tại các tỉnh, thành phố và các hoạt động sơ cấp cứu tại các tỉnh/ thành đã thực sự hiệu quả, chất lượng và mang lại nguồn thu cho Hội hay chưa? Để “tổ chức hoạt động sơ cấp cứu; sản xuất, dịch vụ có thu là nhiệm vụ đột phá” của nhiệm kỳ cần phải làm gì?
Hội nghị được nghe bà Hồ Thị Mộng Thu - Phó Giám đốc Quỹ XHTT Tâm Nguyện Việt - đại diện đơn vị đồng hành, nhà tài trợ của Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Quỹ XHTT Tâm Nguyện Việt là Quỹ xã hội, từ thiện được thành lập hoàn toàn tự nguyện, hoạt động không vì lợi nhuận nhằm mục đích vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo và các mục đích phát triển cộng đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Quỹ Tâm Nguyện Việt đồng hành tài trợ hoạt động Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giai đoạn 2023-2027 với nhiều nội dung, đặc biệt trong công tác sơ cấp cứu sẽ hỗ trợ tổ chức các hoạt động sơ cấp cứu cộng đồng, bao gồm tổ chức các khoá tập huấn, đào tạo, hội thảo về sơ cấp cứu; triển khai công tác truyền thông về sơ cấp cứu cộng đồng, xây dựng các trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phát biểu, các tham luận của các đại biểu tham dự đã được trình bày tại Hội thảo: Tham luận của Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Công ty Cổ phần sự kiện Cường An, Hội Chữ thập đỏ Lào... để góp phần hiện thực hóa quyết tâm đưa sơ cấp cứu trở thành dịch vụ.
Hội thảo lần này diễn ra trước ngày Lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2023 tại Cần Thơ, và là hoạt động thiết thực Chào mừng kỷ niệm ngày Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5) và khởi động Tháng Nhân đạo năm 2023.
Hồng Thúy